Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2017

Mưa ở Bali.

Đến Bali trong những cơn mưa nhiệt đới dai dẳng. Bầu trời lúc nào cũng trùm hũm nước. Khó có thể nói Bali đẹp hay không. Cá nhân nó thấy Bali na ná việt nam với những lộn xộn nhộn nhạo của nơi du lịch tăng trưởng quá nhanh.
Chuyến đi này thực chất không đúng gu du lịch của mình. Cuộc tập hợp của những đứa làm sales, nhìn đâu cũng ra tiền và nói phét như rồng:)). Trong lúc mưa sáng nhịp nhàng, chúng nói về những kế hoạch, cố gắng show bản thân mình với những ý tưởng. Nhiều lúc thấy những đứa làm sales thật tội nghiệp, vì lúc nào cũng phải tỉnh táo, phải cố gắng ngay cả khi tưởng ung dung nhất.
Mưa gõ xuống mặt biển, tiếng sóng quất vào đá ào át. Nó nhìn bao la trước mặt với lòng nhẹ nhàng hơn. Cái gì đến sẽ đến. Nếu đã làm hết sức thì không có gì để tiếc...
Bali mùa khô sao mưa quá nhiều...

Vu vơ



Thỉnh thoảng Nó có những cái liên hệ rất dở hơi. Giống như có cái công tắc, khi kích hoạt bởi một điều gì đó là nó lại bị lôi tuột về góc riêng của mình. 
Sáng qua chợ, thấy bà hàng trộn mớ rau sống nõn nà mà nó nhớ đến cái mùa hanh hao, háo nước ngoài bắc. Nó thèm cái gì nóng nóng tròn vị để cân bằng cái thoáng nhớ mùa. Gọi bát bún riêu, được mang đến một bát đầy ú những miếng huyết, giò, đậu, bún. Thế là khổ thân cái cơn thèm không được thỏa mãn, bát bún bỏ lại hơn nửa.
Cái nó thèm là bát bún riêu chân phương, chỉ có riêu cua béo xốp mềm với chua rất dịu của dấm bỗng. Nó thèm cái đĩa rau sống trộn cây chuối giòn tan, rau mùi thơm ngát, rau diếp thái sợi nhỏ, gọn gàng mát mắt. Lâu rồi kiểu bún riêu thế chỉ có nhà nấu chứ ngoài hàng hầu như không có. Món rất dễ mà cũng rất khó nấu cho đúng vị cân bằng. Thứ cua vào mùa gặt béo ngậy, váng vàng ươm. Bún trắng chan đầy nước riêu, phập phồng mấy miếng cà chua đỏ mượt, lả lướt ít dọc hành xanh, gạch cua loáng vàng bên mảng riêu cua hồng đất xốp mềm, tan khi đưa vào miệng. Chết thèm cái vị chua dịu dù chẳng đáng bao nhiêu nếu quy ra tiền. 
Cua trong này dù làm kỹ đến đâu vẫn có vị xảm và không có vị béo rất duyên. Có thể là do chất đất nên cái rau con cua không được đậm vị. Nó vẫn mua cua về nấu canh rau nhưng lâu rồi bát riêu cua suông ăn với cà cũng ít thấy ở mâm cơm. Bát riêu cua nguội nấu khéo chan cơm, thêm mấy miếng đậu rán giòn chấm mắm ớt, cà pháo giòn thì đúng là thứ nghĩ đến thèm trong cái mùa mưa nơi đây.
Cái góc đàn bà – góc riêng của nó để cất những cái linh tinh. Những cái khó gọi thành tên nhưng dịu dàng lẩn khuất. Để lúc nào đó lại lấy ra ngắm nghia, suy nghĩ để thấy mình vẫn đang sống, vẫn mềm mại đàn bà...

Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

Câu chuyện gia đình.

Chiều anh bạn gọi trên Zalo. Vài câu chuyện ba láp, linh tính cho mình biết có lẽ chả tự dưng mà hỏi thăm. Rồi anh hỏi về thủ tục ly hôn. Mình biết rõ mà chả biết nói gì. Vốn cuộc đời có những ngã rẽ hết sức bất ngờ mà bắt đầu từ những cái không ngờ. Thực sự mỗi lần nhận thiếp cưới hay nghe tin ai đó ly hôn mình đều có những suy nghĩ vu vơ Anh bạn cũng là đối tác cũ, hiền và tử tế, truyền thống, vợ đẹp con xinh, kinh tế ổn. Rồi cũng chia tay. Mình không có thói quen hỏi nhiều về đời tư người khác, duy nhất chỉ một câu “ anh có thất vọng về mình không”. 
Ly hôn trong xã hội hiện đại không phải là hiếm. Có vạn lý do để hai người bước ra hai phía từ một cánh cửa chung. Mình từng trải qua cũng nghe rất nhiều những trải nghiệm trước và sau ly hôn. Khi đường ai nấy bước, có quá nhiều lý do vin vào hay nhiều mối quan hệ đưa ra: bố mẹ, con cái, tài sản... nhưng ít ai có thể nói rằng “Tôi cảm thấy quá đủ rồi, tôi không muốn nữa”. Hôn nhân là việc hai người, vợ và chồng. Là hạt nhân cốt lõi của gia đình, là nguyên nhân kết nối các quan hệ khác như nội ngoại con cái. Khi đến tự nguyện thì khi đi cũng nên đàng hoàng. Duy nhất tự hỏi rằng mình và đối tác còn yêu nhau, còn cần nhau hay không. Mọi cái khác đều điều chỉnh được. Ly hôn không phải chuyện vui nhưng cũng không phải chuyện dở. Ly hôn không khó, sống tiếp thế nào mới khó. Mình thấy mất khoảng một năm để cân bằng . Phụ nữ sau khi ly hôn thường nhanh ổn định hơn đàn ông nhưng đàn ông nhanh có bước tiếp theo hơn. 
Nhìn một vòng những gia đình xung quanh, có lẽ bận rộn, mệt mỏi, thiếu trò chuyện làm chúng ta quên mất những điều đã khiến chúng ta yêu nhau. Cảm xúc giảm dần thay bằng trách nhiệm, nồng nàn thay bằng nhạt nhẽo. Có câu “ ai cũng có thể lấy nhầm người” vì ai cũng thay đổi. Sợ nhất là đến lúc nhìn nhau lẩm bẩm người đó có phải người mình đã chọn không. Có khó nhọc gì vài phút mỗi ngày chúng ta nói chuyện với nhau vì chính chúng ta muốn. Để cùng nhau điều chỉnh và cùng nhau thay đổi trước khi trở thành những hành tinh xa lạ, va vào lại bật ra.
Cũng khó để hoàn hảo vì mỗi người đều có những vai trò xã hội khác nhau nhưng mình tin rằng nếu thực sự có tâm thì sẽ có quả 

Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

TRUNG THU MƯA

Cứ mỗi dịp lễ tết là những người xa nhà nôn nao nhớ. Nó nhớ mùa Trung Thu rộn ràng tiếng trống, nhớ cái không khi trong vắt giữa mùa thu. Nơi này bận mà cả mùa Trung thu không nghe thấy tiếng trống múa Lân. Sài Gòn có nhiều thứ để thích nhưng cái không khi lễ lạt la đà thì hầu như không. Cuộc sống tất bật nên chén trà cũng uống vội.
Tranh thủ lúc các con đi Trung Thu được tổ chức dưới nhà, Nó bày mâm cỗ trông trăng. Gọn gàng nhất có thể. Tiếng ríu ran của bầy trẻ dưới sân chung cư vọng lên, tiếng cười, tiếng hét. Những âm thanh đưa Nó về những mùa Trung Thu ngày nào. Những Trung Thu khi Nó còn là cô bé tóc bum bê, háo hức đợi trông trăng với những mâm cỗ giản đơn, với những cái đèn thô sơ. Trung Thu là những ngày bóc hạt bưởi xước tay, phơi cho thật nỏ rồi xỏ lại. Những cái đèn xanh đỏ từ giấy oản bà đi lễ Phật cả năm dành lại. Chỉ tiếng cười của những đứa trẻ tràn trề trong cái xóm nhỏ. Mùa Trung Thu, mùa những trái chín ngọt thơm, của những sản vật mùa thu. Nó giật mình là quên mua cốm – Trung Thu nó thích nhất là cốm ăn với chuối tiêu trứng cuốc. Cái dẻo đi với cái mềm, cái thơm dịu dàng lúa mới với cái thơm ngào ngạt chuối chín kỹ. Nó cũng thèm bánh nướng truyền thống với mùi lá chanh, vỏ cứng thơm ; thèm bánh dẻo chay ngát mùi hoa bưởi. Cả một trời thương nhớ gọn trong những cái nho nhỏ tinh tế.
Nó yêu mùa thu la đà chậm rãi của miền Bắc. Mùa yêu thương dành cho gia đình. Nó có chân đi, và có thể đi không chán nhưng mùa đoàn viên Nó muốn về nhà. Ăn bữa cơm đơn giản với bố mẹ, dung dắt bọn trẻ đi xem múa lân, ngồi cùng chồng bên chén trà ấm đợi trăng
Mưa, bọn trẻ vừa về nhà thì mưa. Nó kéo cửa sổ, ngắm bọn trẻ phá cỗ thấy con mình có chút thiệt thòi vì cuộc sống của các con ít trải nghiệm đơn giản mà âm ỉ nhớ.

Sau này, con Nó sẽ nhớ gì khi mỗi Trung Thu về….

Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

Trời mưa quá em ơi, bài thơ ướt mất rồi còn đâu….

Cơn mưa ào ạt trút từng nắm nước tối tăm mắt mũi, sùng sũng nước ngập dần trên các phố dài. Mùa mưa bắt đầu dữ dội với những trận mưa ào ạt. Đường phố co lại trong mưa với những dòng xe cộ tắc nghẹn nhích nhích từng cm. Vây quanh là những khuôn mặt nhạt nhòa trong nước, Nó chợt nghĩ đến lời bài hát « trời mưa quá em ơi, bài thơ ướt mất rồi còn đâu...»
Giờ đến cái tuổi sợ mưa, ngấm mưa là đau đầu nhưng cái thú ngắm mưa thì luôn như hồi còn bé. Hồi ấy, mưa thế này là ào ra tắm mưa. Cái xóm nhỏ hồi ấy chẳng có gì nhiều bằng ao, rãnh và một đám trẻ nghich kinh hoàng. Tắc đường, chết dí trong cái xô nước trời bị nghiêng, Nó nhìn phố được vá víu bằng những màu áo mưa lộn xộn như tranh Picasso, những thương hiệu được quảng cáo nhòe nhoẹt. Cái mũi của những người làm maketing không bỏ sót bất cứ chỗ nào có thể .
Mưa trút hàng thùng nước cứ ào ào đổ xuống, Nó tháo giày thả chân trần trên mặt đường ngập dần. Cái lạnh mát dưới chân làm cảm giác chờ đợi nhẹ nhàng hơn. Nói cho cùng, nếu không thể thích thì cũng có thể hòa hoãn và tìm cái tích cực nhất có thể.
Cũng lâu rồi Nó không viết cái gì tử tể hơn một bản báo cáo ngắn gọn. Có lỗi với bản thân mình khi viết linh tinh là cách nó làm dịu đi tâm trí. Hàng me xanh vặn vẹo, những chùm hoa lẫn lá non rơi lả tả, vậy là văn phòng cũng gần rồi. Trôi mãi rồi cũng tới. Bài thơ của nó lại rơi xuống hiện thực khi chưa kịp ướt những vần mong manh.
Đường đã thông hơn và một ngày bắt đầu, tuần mới, tháng mới… và mong rằng có cái mới để phập phồng cười mỉm…