Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

tình ...

                               Chiều "buông chùng cánh võng"
                               Mây xõa tóc lả lơi
                               Sóng vỗ bờ thủ thỉ
                                Triều mơn man gọi về.
                                Những chuyện tình hồng hoang
                                Tự xa xưa vẫn kể
                                Tình yêu sóng và cát;
                                "Biển với thuyền" mênh mông.
                                 Vách đá đứng trầm ngâm
                                 Ngóng người đi không lại.
                                 Gió cuộn vào phi lao
                                 Chuyện muôn đời vẫn thế.
                                 Hoàng hôn buông ráng đỏ
                                 Bóng trải dài bước đi
                                 Nắng cứ ve vuốt thế
                                 Nôn nao thoáng quay về.
 

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Mùa xà cừ đổ lá

         Xà cừ đổ lá vàng con đường em đi buổi sáng. Lá vàng chao nghiêng đậu vai em lúc dừng xe bên đường. Chẳng phải bằng lăng hay phượng vĩ, em nhắc mình hạ đang về theo bóng vàng của lá xà cừ. Chẳng còn thủa đi học để sốt ruột nhìn lá vàng rơi, mong ngóng nghỉ hè và ngại ngần trước các mùa thi. Giờ đây, nôn nao nhìn màu vàng lá xà cừ trải trên đât, thấy cái hè lại gần lắm rồi. Này nhé, người đàn bà trong em bắt đầu những chuẩn bị áo quần cho mẹ cho con. Những giặt giũ phơi nắng làm cho quần áo thơm thơm mùi hè rồi đấy. Nào là để đợi những cơn nóng oi ả, những lọ nước quả ngâm đã sẵn sàng. Mùa hè chỉ háo nước. Trong tủ nước dâu ngâm tím lịm, nước mơ ngâm nâu nâu, đợi mùa sấu người đàn bà sẽ bổ sung thêm lọ sấu ngâm nữa. Rồi mứt quả để nhà ăn sáng, mấy quả cà muối cũng sẵn sàng trong tủ bếp. Ngày oi oi thế này chỉ bát nước rau luộc đánh chua và mấy quả cà giòn tan còn gợi vị thèm cho cái lưới.
             Quanh đi quẩn lại, người đàn bà toàn để ý đến những cái vụn vặt li ti thế. Cứ như sự truyền đời, từ các bà sang các mẹ rồi đến các cô con gái. Những cái ngày xưa tưởng xa lạ thế giờ đây cũng thành thói quen khó bỏ. Uh nhỉ, phải chăng đó là thiên chức, là cái thói quen của những người phụ nữ gia đình. Chẳng còn như những ngày son rỗi, mùa đổi mùa là lúc shopping, ngắm vuốt. Vẫn có đấy nhưng nhu cầu ấy được hạ xuống sau bao nhiêu cái linh tinh cho cuộc sống khác.
             Mùa xà cừ đổ lá, mùa này em cũng chẳng còn đối mặt với bất cứ kì thi nào nữa. Những cái nỗ lực thúc ép của các kỳ thi năm nào đã chuyển thành những nỗ lực cho cuộc sống thường nhật. Là nấu gì cho bữa cơm đầu hè ngon miệng, là bát chè giả nhiệt cho cả nhà khi ngủ dậy, là nồi nước lá tắm cho con hết rôm ngứa... Mùa đầu hạ dịu dàng chóng vánh. Ngày dài hơn mà cũng như chẳng đủ để tận hưởng cảm xúc dịu êm đấy.
           Cô thiếu nữ bồi hồi nhìn lá xà cừ vàng lăn trên mái trường cũ đã đi xa lắm rồi. Giờ người đàn bà đứng ngắm lá xà cừ rơi lại thấy nao nao trong lòng đầu hạ, Uh thả cho cảm xúc đi lang thang theo những lá xà cừ cuốn tròn trên đất, để quay về với những cái vặt vãnh của người phụ nữ gia đình.
          Ôi mùa xà cừ đổ lá, giát từng phiến vàng cho cảm xúc rơi rơi...

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

()

         Đêm, tiếng những đám mây xô nhau trên bầu trời, những tiến nổ chát lạnh, sét rạch ngang trời, ném vào không gian muôn vàn giọt nước. Cảm giác  căng như dây đàn; bức bối đến khắc khoải.  Lâu lắm mới lại có cảm giác khó chịu, căm ghét một cái gì như thế. Căm ghét cái việc muốn trọn vẹn cho con, muốn con không bị thiếu thốn tình cảm để chuốc lấy cái bực mình. Xót hết lòng thương con.
        Cuối tuần trước, con nói không muốn sang bên nội chơi. Linh cảm người mẹ đã cho thấy cái gì không ổn. Bảo con gọi điện sang, nói chuyện với bố. Qua điện thoại con nói con không sang vì nhớ mẹ;  cái không ổn hầu như có thể vẽ ra được. Hai mẹ con có kỳ cuối tuần vui vẻ nhưng thực sự mình vẫn thấy lấn cấn. Tỷ tê mãi, nàng mới nói với mẹ là " Sang nhà ông bà nội, bố không ở nhà với con, bố toàn đi chơi thôi". Tránh cho con những cái ấn tượng không hay về bố, thủ thỉ với nàng rằng " Bố con còn phải đi làm và mẹ sẽ nói chuyện với bố con về việc đấy."
         Tối, đưa điện thoại cho con nói chuyện với bố nó. Thấy con nói mai sang nhà thì bố phải ở nhà chơi với con. Lặng lẽ nghe yêu cầu của con, nhói lên cái sự thương con. Cầm điện thoại nói chuyện với bố của con:
      - Con lên trên nhà, anh cố dành thời gian chơi với con; thực ra thời gian con ở bên đấy cũng không nhiều.
 
     - Tôi dành tất cả thời gian ở nhà cho nó. Kể cả đi chơi tôi cũng dẫn nó theo.
 
     -  Anh dành thời gian chơi với con, đừng để nó tủi thân. Con là đứa nhạy cảm.
 
     - Mẹ, cô ở đấy mà biết à. Cô biết tôi ở nhà với con mấy tiếng à. Nó biết được chắc? Nó biết gì chứ.
 
    - Con Uyên biết đấy. Nó cần anh chơi, nói chuyện với nó.
  
    - Mẹ, tôi có 4 à 5 con xe container. Xe về tôi phải làm chứ. Không có tôi thì ông bà đưa nó đi(Nghĩ bụng, ông bà mà đưa nó đi chơi tôi đi đầu xuống đất)
    - Bận thì ai cũng bận, nhưng việc dành thời gian cho con là cần thiết, để xây dựng tình cảm cho con. Tôi cũng chẳng lạ việc khai thác và quản lý xe nhưng anh vẫn phải dành thời gian cho con Uyên. Tôi không muốn con phải suy nghĩ.
    - Mẹ kiếp, cô đéo hiểu gì cả. Cái ngữ dân văn phòng như cô thì biết đéo gì. Bỏ mẹ cái giọng ấy đi. Cô muốn tôi làm gì?
   - Không phải tôi mà con cần anh dành thêm thời gian cho nó.
   - Địt mẹ, con điên
Bụp, ngắt .
       Thương con, cả sự coi thường dâng lên tức thở. Ức trào nước mắt. Từ khi bước chân làm SM, chưa lúc nào thấy thương con và điên tiết đến thế. Thấy mẹ khóc, con trèo vào lòng mẹ nức nở. Đau lòng, thương con. Không một chút tiếc nuối cho quyết định của mình nhưng cảm giác bất lực vì không thể làm tốt hơn cho con, cảm giác căm ghét sự vô tâm đến ích kỷ của bố nó làm nghẹn thở. Con thỏ thẻ " mẹ đừng khóc nữa, con hết khóc rồi". Vừa xúc động vừa thấy mình thật kém cỏi. Ru con ngủ mà buồn, đau trộn lẫn cái xót con cứ nhức nhối trong ngực. Làm sao dạy con trọn vẹn đây? Luôn dạy con yêu quý, tôn trọng ông bà, bố mẹ, họ hàng hai bên như nhau. Nhưng với cảm nhận của một cô bé đang lớn, con nghĩ gì ? Liệu con có tổn thương không? Liệu những điều này có ảnh hưởng vào tiềm thức , đến cách nhìn nhận cuộc sống của con không? Liệu có chuyện gì mà con không nói với mình không ?
Mưa vẫn rào rào, sâm, sét vẫn rạch ngang trời, hình như khuya lắm rồi.
       Tự hỏi sao con người có thể ngu ngốc và ích kỷ đến thế. Khẳng định yêu con đến độ đi chơi cũng đưa con đi. Đi chơi thì tốt thôi, vậy con bé sẽ làm gì ở sân bóng đá, sân tennis hay các quán cà phê? Nó được chơi gì ởđấy. Sự vô tâm đến vô trách nhiệm. Có phải tự dưng mà con lớn, con ngoan để lúc việc họ hàng mở mày mở mặt chứ. Chán như con gián. Bực mình. Thương con thắt lòng. Mình căm ghét cái cảm giác bất lực này.
Mưa mãi thôi, nhìn con ngủ say sưa mà lòng thấy xót xa. Sự nỗ lực của mình có mang lại cho con sự đầy đủ  bình yên không? Mình cũng không thể làm thay, quyết thay cho những ưu tiên của người khác. Cô bé nhạy cảm của mẹ, biết dạy con thế nào để con hiểu được bình yên, về sự yêu thương trọn vẹn, về sự trong sáng và để tâm hồn con không bị tổn thương. Lan man nghĩ đến lần nói chuyện với bạn vong niên. Khi nói về nhữnng lo lắng cho con; chị đã nhận xét " chẳng qua là ở hoàn cảnh em thì em mới thấy rõ, chứ nếu ngẫm kỹ thì những gia đình không hạnh phúc thì con cái cũng thế thôi mà vấn đề còn không xác định được . Vợ chồng lo diễn hết rồi lấy đâu mà lo đến con nghĩ gì" Biết tính chị nên chẳng bực. Tự dưng lại ngĩ về chuyện này nhỉ, lâu lắm rồi cơ mà.
   Mưa vẫn rào rào, nhức đầu quá. Cái bệnh đau đầu chết tiệt. Viết ra rồi sao chẳng thấy nhẹ nhàng hơn. Ngủ ngoan con gái, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi...  

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Tháng 4 có ngày như thế.

  Tháng tư, vốn là tháng bản lề của công việc. Tháng tư luôn là tháng tổng kết và triển khai. Tháng từng có rất nhiều hy vọng (lên lương chẳng hạn), Và tháng tư có một ngày.......
                Tháng tư xanh thật đẹp với những chồi lá xanh xanh, đo đỏ, nõn nường. Tháng tư nhiều kỷ niệm và có một kỷ niệm ngồi nhìn mưa xối xả trong chiều tháng tư, rút điện thoại gọi cho ông bạn chí cốt " Xong rồi". Vèo cái chiều ấy đã đóng dấu hai năm. Hai năm để bước chân đơn độc trên con đường. Thực ra thì độc hành trước đó lâu lắm, lâu đến độ buớc cuối cùng thấy nhẹ bẫng. Uhm mình vốn có trí nhớ rất tốt ( trừ lúc đãng trí) nên gói lại thành file ký ức để quẳng vào đâu đó.
                Tháng 4 mưa cũng không quá nhẹ mà cũng chưa dữ dội, sự chuyển đổi giữa mưa xuân và mưa hạ Tháng 4 đó cũng giúp mình bước hản qua một chapter khác. Dù còn nhiều vấn đề nhưng tính mình thế, dứt xong là xong. Sau hai năm mình đã làm được những gì nhỉ :

                 - Có một nơi để xác định địa chỉ sau này
                 - Lo xong trường lớp cho con (mà từ ngày bước ra cộng đồng, toàn mẹ lo hết)
                 - Công việc dù chưa như ý nhưng cũng ổn định, tạm thế đã
                
                Mình cũng làm được một số thứ rồi đấy chứ nhỉ. " Hãy tự vỗ vai cái nào", kiểu tôi phục tôi quá .  Mong rằng bình yên sẽ tiếp tục và kế hoạch năm năm có thể hoàn thành đúng thời hạn nhỉ
                                     

Tháng này thấymình đuối quá có lẽ mình cần nghỉ refresh thật rồi.
               

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

36 năm nhanh quá

   Dành cho cha mẹ
                                                            
                                                                


      Sáng, con gái chuẩn bị đi làm cứ thấy mẹ bần thần. Cũng chẳng kịp ngồi nghiêm chỉnh, cứ  vừa chuẩn bị vừa nói chuyện với mẹ. Mẹ cứ cằn nhằn mãi "từ hôm bố đi công tác chưa gọi về nhà". Cũng lạ đấy, bố đi công tác nhiều, có bao giờ mẹ kì kèo về chuyện gọi hay không gọi điện về. Nhìn lich trên tường mới giật mình, chung quy tại bố đi công tác vào dịp đặc biệt này thôi. ngày cưới của bố mẹ. Mẹ mong bố điện về đây. Mẹ là người coi trọng những ngày kỷ niệm và đó là điều may mắn cho cả gia đình. Các con của mẹ đều được thừa hưởng tính đấy, những ngày lễ mang dấu ấn gia đình luôn là điều chị em con nhớ lúc đi xa.
            Bố mẹ yêu quý,
      Ngày này 36 năm về trước, bố mẹ dã đến với nhau và từ đó gia đình mình mới được hình thành. Con vẫn nhớ bà ngoại kể lúc đó bố mẹ nghèo lắm, mà cả xã hội lúc đó cũng nghèo. Chị em con lần lượt ra đời, sự chồng chất càng đổ dồn lên bố mẹ. Vất vả là thế, bố mẹ vẫn cố gắng tích cóp từng chút một để tạo dựng cho con cái có cuộc sống bình yên. Con không nhớ hết những việc làm thêm mà mẹ từng làm nhưng con vẫn nhớ tiếng máy may kèn kẹt hàng đêm của mẹ. Đấy là kỷ niệm ấu thơ nhưng nó lại dạy cho con một bài học đắt giá : sự hy sinh, tình thương yêu là vô bờ bến. Giữa lúc nhà mình khó khăn nhất, bố mẹ có quyết định thực sự can đảm để giành lấy tương lai tốt hơn cho con cái mình. Bố tập trung vào học để đi làm Tiến sĩ nước ngoài. Bố học trên Hà Nội, một tay mẹ chăm sóc con cái, bà ngoại, đi dạy và làm thêm. Chị em con lúc đó còn quá nhỏ để có thể đỡ đần được nhiều cho mẹ. Bố mẹ đã để cho chị em con một bài học nữa: phấn đấu không ngừng và tri thức luôn là con đường để vươn lên.
Con khâm phục mẹ ở sự hy sinh và cả sự kiên cường rất phụ nữ, Những năm tháng bố đi học xa nhà, nhà toàn phụ nữ với trẻ con, mẹ dã phải xoay xở lắm mới có thể " đảm việc nước, giỏi việc nhà" nhưng chưa bao giờ mẹ nặng lời với bất cứ ai. Nhà cũng dần dần ổn định kinh tế, mẹ cũng đỡ vất vả hơn thì trách nhiệm dâu trưởng và cháu đích tôn vẫn đè nặng lên me. Thằng Út ra đời, gánh nặng tâm lý cho bố mẹ của bố mẹ vơi đi rất nhiều. Có rất nhiều điều mà chúng con học được từ những việc làm và cách đối nhân xử thế của bố mẹ, sao cho mọi sự trọn nghĩa vẹn tình.
          Bố mẹ kính yêu
     Có những thứ năm tháng sẽ cuốn trôi đi nhưng có những thứ sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Tình yêu thương của bố mẹ dành cho chúng con và các cháu vẫn mãi mãi trọn vẹn. Bố mẹ là tấm gương để con cháu nhìn vào và sống sao không hổ thẹn là con của bố mẹ. Như Út có lần nói " Chúng con luôn biết ơn bố mẹ vì tình yêu thương, sự săn sóc, tấm lòng hy sinh, dạy bảo của bố mẹ". Ba mươi sáu năm, bố mẹ vẫn bên nhau. Chẳng thể nào thu gọn 36 năm đấy trong một vài cấu từ được.  Với riêng con, bố mẹ còn tiếp thêm niềm tin về hôn nhân bền vững. Và con cũng mong sẽ gặp được người năm chặt tay con đi suốt đường đời thăm thẳm.
     Vài dòng entry dành tặng bố mẹ, mong nụ cười luôn nở trên môi và bố mẹ luôn mạnh khoẻ để vui vầy bên con cháu, làm chỗ dựa mãi mãi về tinh thần cho chúng con


Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

" Đêm nghe tiếng mưa rơi, thấy lòng lao xao lạ..."

   Giật mình khi tiếng mưa trên giàn cây sau nhà. Quờ tay, kéo chăn đắp cho con theo phản xạ. Chăn rơi xuống giường mới nhớ con không có nhà. Tự dưng thấy trống trải, lạnh.
Mưa vẫn rào rào, xối xả, Mưa rào đầu hạ. Thế  là hè đang về gần lắm. Không dịu dàng như thiếu nữ mưa xuân; mưa mùa hạ dạt dào, chan chứa, mạnh mẽ cuốn băng đi nhữg bụi bẩn. Bật đèn, với quyển sách đang đọc dở, tính xử lý nốt. Mưa vẫn ào ào như bản nhạc nhạc Jazz nhiều bộ gõ. Mưa đập cửa sổ, nhảy nhót trên mái, trêu đùa lá cây. Chẳng tập trung được, sự trống trải không để bị lấp đi bằng thú vui yêu thích nhất. Chẳng ra buồn, chẳng ra vui, nó cứ chênh vênh trên những vùng cảm xúc. Mệt mỏi tich tụ lại làm nó muốn vỡ òa ra như mưa. Thèm cái cảm giác tự do như những giọt mưa đang lao mình trong không trung. Cố gắng mãi, nó thấy mình lạc lõng trước vô vàn lối rẽ của cuộc sống. Chỉ mong mình đừng quyết định sai.
    Hôm trước, nhìn status của bạn " TRỐNG TRẢI QUÁ", nó chợt cười buồn. Hóa ra nỗi niềm đâu có chừa riêng ại. Với những người như nó, lại càng dễ thấy chạnh lòng; có chăng chỉ khác nhau cách đối phó và giải quyết. Liệu có thể lại tin vào ai đó không nhỉ ? Chắc khó có thể cảm giác yêu là yêu , đắn đo nhiều, suy nghĩ nhiều. Đặt nhiều câu hỏi thì cảm xúc càng khó lớn lên. Mà không thể không đặt câu hỏi khi cái đầu đã nhiều thực tế. Sau mỗi sự đổ vỡ, niềm tin lại bị bào mòn thêm những mảng lớn đến nỗi tin tưởng cũng thành xa xỉ. Lưng chừng cảm xúc, thấy nhạt nhòa hết. Nhớ hôm trước đặt lại com trên FB của bạn" đàn ông xung quanh như những món ăn tuyệt hảo trên mâm cỗ mặn nhưng tôi là người ăn chay". Hi, hi :)), chúng nó nhảy chồm lên phản đối. Sao thế nhỉ, là cảm giác của cá nhân. Các quý ông vẫn vĩ đại như họ nghĩ. Nghĩ lại câu "sau khi tình yêu vỡ, người ta sợ yêu vì sợ những đau khổ có thể đi kèm tình yêu". May be right. Nó sợ, sợ mở lòng ra để lại bị thêm nhát cắt điếng người nữa. Sợ những tình cảm vốn khó khăn lại  bị tổn thương.
    Mưa vẫn rào rào, hé cửa sổ cho hơi lạnh vào phòng...
  Cảm giác vẫn chơi vơi." Xin lỗi em, ngàn lần xin lỗi em..."lời bài hát nào đó lại vẳng lại. Đắng lòng. Ngườ đàn ông nghĩ rằng trọn vẹn khi nói lời xin lỗi. Người đàn bà, dễ dàng ôm lại nỗi đau vào lòng. Sao chỉ là lời xin lỗi, xin lỗi có trả được sự bình yên, làm đau nhau rồi lại xin lỗi. Sao không đừng làm đau người có hơn không? Không níu kéo, lặng lẽ quay đi, nó giữ lại trái tim mình bằng tiếng cười muôn thủa. Yêu mình để nhìn niềm tin vỡ thêm vài miếng.
    Mưa to quá, chẳng biết con ngủ có yên không? Con hay giật mình khi mưa to, có ai kéo chăn cho con, vỗ về cho  con sâu giấc. Mưa đêm, trống trải. gấp sách, tắt đèn, nằm nghe  tiếng mưa rơi...........  

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Ai bán loa kèn tôi mua....

     Tháng tư, mùa của những cành loa kèn kiêu hãnh. Dường như sau những ngày ướt át, nồm thì loa kèn về cùng nắng mới, thời tiết đẹp làm tâm hồn thấy nhẹ nhàng phơi phới hơn. Hân hoan đón nhận lúc chớm hè với món quà loa kèn tháng tư. Này nhé, lá thân xanh nhạt, cứng cáp, nụ hoa he hé cánh trắng muốt kiêu sa. Bình dị thế thôi nhưng mùa loa kèn nào mình cũng phải hý hửng cắm bằng được, loại loa kèn chùm mềm mại chứ không thích loa kèn đơn, hơi cứng dáng.        
                                                          
         Nhớ ngày còn tập tành cầm cọ, mê mải với những bức tranh hoa, cứ thắc mắc sao bức tranh nổi tiếng của Tô Ngọc Vân lại là " Thiếu nữ bên hoa Huệ" chứ không phải là " Thiếu nữ bên hoa loa kèn". Cho đến tận gần đây, mình mới biết là loa kèn ngày trước còn được gọi là Huệ Tây. Lạ nhỉ, mùa hoa Loa Kèn giờ đã kéo dài hơn khi hoa được đưa từ các nơi về nhưng với mình mùa loa kèn chỉ vọn vẻn trong tháng tư, độ 2 -3 tuần là nhiều. Loa kèn mùa đông, cứng lắm, không đủ nắng để bật lên vẻ kiêu sa của mình. Loa kèn tháng tư, từng cánh hoa căng cứng nhưng vẫn mềm mại, trắng xanh tinh khiết nhưng tràn trề hưng phấn.Và chỉ có nắng tháng tư mới làm cho mùi hương của loa kèn thêm nồng nàn quyến luyến.                                                                       
                                                                       
                                                           
                    Nói tháng tư dịu dàng vì tháng tư có loa kèn, những xe chở đầy loa kèn mướt sưong hay lóng lánh những giọt nước chậm từng vòng trên phố. Dù vội, dù bận mình vẫn chùng lòng, không thể không thả hồn theo chúng. Năm nào cũng phải có một vài lọ loa kèn trong nhà, như một thứ " thời trân của mùa đầu hạ", thiếu cảm thấy bứt rứt. Loa kèn kén lọ. Lọ cắm loa kèn đơn giản, không cầu kỳ mà đẹp nhất là chất liệu gốm.
"Gốm, một thứ chất liệu từ đất, tôi qua lò lửa nung mà hình thành. Lọ gốm sù sì, thô ráp, màu nâu của đất khi cắm loa kèn vào, chúng như bù đắp cho nhau những mảng thiếu của mình, giống như đôi tay cứng cỏi của một người đàn ông đang ôm trong mình cả một tâm hồn yêu sống". Lọ gốm nung màu nâu, đỡ những cành loa kèn trắng nuột mà, thanh khiết đặt bên bậu cửa sổ đón nắng. Trong không gian đậm mùi hương đấy, một tách trà, một quyển sách hay, ta mơ màng thoát khỏi sự bộn bề lo lắng.
                                         
                                      
                                                                       
                           
                   Loa kèn ngắn ngủi như thời thanh xuân. Mình ngắm những cánh hoa tràn trề sức sống, tươi rói tháng tư, lòng luôn có cảm giác bâng khuâng nhớ một cái gì đó không rõ. Nếu so sánh hoa với phái nữ, thì cảm nhận riêng loa kèn như thời con gái xuân sắc nhất, tuổi đôi mươi. Sắc trắng muốt đầy kiêu hãnh như sự tự hào thanh xuân" má hồng môi đỏ"tự nhiên, nụ khum khum cánh như sự e ấp, dịu dàng và mùi hương mời gọi đầy mê đắm. Dáng hoa kiêu hãnh, đầy khát vọng như muốn khẳng định sức sống, nhiệt huyết, chưa vướng nhiều lo nghĩ.
                                                     
                                                           

                  Mà loa kèn tươi rất lâu, có khi cả mùa loa kèn cũng chỉ kịp cắm hai lần là đã lại " nhớ" chờ mùa sau... Ai bán loa kèn, bán lại cho tôi những cảm xúc thanh xuân dịu nhớ. Ai bán loa kèn tôi mua ....

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Thanh minh ....

" Thanh minh trong tiết tháng ba
Tiết là trảy hội, hội là đạp thanh"

          Thanh minh, dường như cây cỏ thấm hơi xuân, nõn nà, phây phây màu lụa. Sau những ngày nồm ướt át, cây cối con người cũng rạng rỡ hơn, rạng ngời với ánh mặt trời xuân. Dường như thanh minh hay ngày tạ mộ cuối năm là lúc người sống gần với người mất nhất.
          Cả nhà ra mộ ông bà ngoại. Giờ không còn là cái nghĩa trang hoang vắng nữa mà nó được mở rộng ra mọi hướng. Đủ kiểu mộ, đủ các hướng mà mình vẫn gọi là phản ánh thành phố người âm. Cũng xấu xi và thiếu quy hoạch nên lôm côm mất đi không khí trang nghiêm cần có. Kết cấu to bé, thoả mãn nhu cầu của người sống hơn là người chết. Dọn mộ ông bà, mẹ lấy đồ cúng sắp lên để thắp hương. Nhìn những vòng khói hương lan nhè nhẹ. ánh mắt ông bà trên di ảnh thật ấm áp. Không biết nhiều về ông ngoại vì ông mất từ khi mẹ còn chưa tròn tuổi nhưng ai cũng bảo mình giống ông ngoại . Giống gần như lột. Bà ngoại còn bảo mình chơi cũng giống ông (). Với bà ngoại, mình là đứa cháu được cưng chiều nhất. Bà đi thật nhẹ nhàng mà không kịp chờ sự ra đời của thằng Út. Đấy là cái mà nó hay ganh tỵ với mình. Nghĩ về bà, cháu nhớ nhất dáng cao gầy, hơi còng của bà và tiếng tụng kinh hằng tối của bà. Tiếng tụng kinh trầm bổng phả vvào bóng tối sự bình yên ấm áp. Nhìn di ảnh, nhớ ông bà...
          Lâu lắm mới theo bố đi thắp hương cho bên nội. Mộ quê, xen lẫn giứa cánh đồng lúa đang thì mơn mởn, giữa những luống thuốc lào rợp lá. Mộ cụ tổ, mộ các chi nẳm rải rác. Bố luôn là người lễ nghĩa, luôn lo lắng nếu con cháu không nhớ về cội nguồn. Chỉnh chu từ việc thắp huơng, đâu trước đâu sau, bên nội bên ngoại. Những ngôi mộ họ hàng xa, hàng xóm gần nhà bà , bố cũng nhắc thắp nén hương cho phải đạo. Đấy là nề nếp, là sự trân trọng ngôi bậc trong họ mạc, là khía cạnh đầu của chữ lễ.   Mộ quê, chẳng có quy hoạch, đến mộ nọ có khi phải trèo qua mộ kia. Những ngôi mộ hoành tráng chen lẫn với những nấm mộ lè xè phủ đầy cỏ dại. Bố nhắc lại chuyện thanh minh ngày xưa làm chu tất hơn bây giờ. Ngày bố còn nhỏm cụ ông dẫn tất cả các cháu trai ra từng mộ, hỏi rõ mộ của ai, vai vế trong họ rồi mới thắp hương, dọn mộ. Có khi đi cả ngày vẫn chưa hết mộ. Giờ giản tiện hơn, mộ trong họ cũng xây gần hết nên dọn mộ nhanh. Chắp tay vái các cụ mà chẳng biết khấn gì ngoài việc thành tâm mong các cụ được siêu thoát. Tần ngần nghĩ, chẳng có ai chết rồi vẫn sẫn si và cũng chẳng có ai không thương con thương cháu. Nén hương, lẻ quả các cụ chứng cho tấm lòng của con cháu.
          Trưa, nắng oi oi, giữa cánh đồng ngập đầy hoa dại, nghe bố nói lại về gia phả mà thấy chữ huyết thống gần hơn bao giờ hết......Và nắng, và xuyến chi, mua vàng, trai xanh cùng tiếng gà trưa đơn lẻ như sự kết nối những con người dù sống hay đã mất.
          

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Mưa bay gió thoảng

Anh như làn gió mát
Thổi ngang đồng cỏ xanh
Cỏ mềm vui đón gió
Thả mình buông lả lơi

Anh như làn mưa ấm
Cho đất cằn sinh sôi
Cho lá chen đá mọc
Gọi bình yên nở hoa

Nhưng là gió là mưa
Đồng xanh đâu bến dừng
Gió, mưa đi mê mải
Chỉ dừng chân, lại đi

Anh thoảng qua như gió
Chóng qua như mưa bay
Để lại em ngơ ngác
Với vơi đầy trên tay

Gió vẫn bay không nhớ
Mưa cũng chẳng quay về
Cỏ vùi mình vẫn hát
Chắt chiu giọt sương trời

Và Anh vụt qua em
Tựa mưa bay gió thổi
Trái tim dù khát cháy
Ráng xanh đợi mặt trời