Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Gói lại tháng sáu trong nỗi nhớ....

       Tháng sáu đang chào tạm biệt qua những cơn mưa bóng mây đỏng đảnh. Thoắt nắng thoắt mưa như nụ cười của tuổi thanh xuân nhất. Và một lúc chợt nắng chợt mưa thế, mình nhớ. Cái nỗi nhớ vô hình về đủ thứ không tên. Lãng đãng thả hồn theo những bài hát một thời đắm đuối. Nếu " yesterday once more" mình sẽ như thế nào nhỉ. Nhớ những nụ cười bạn bè, qua FB lần mò tìm được mấy người bạn cùng lớp cũ, cũng không hẳn là thân thiết nhưng nhìn thấy nhau dù là qua ảnh cũng làm mình thấy vui vui.
                Tháng sáu, chẳng còn cái rực rỡ nồng nàn của phượng, dịu dàng đằm thắm của bằng lăng, chơ vơ những cánh phượng cuối cùng. Tháng sáu - mùa của những sôi động vậy mà dường như mình đang đứng bên cạnh nhìn những sôi động lao qua vun vút. Và thấy nhớ. Tháng sáu, xin gửi nhớ thương về một nơi xa lắm. Đọc một bài viết về sự tiếc nuối cho một lời hẹn không thực hiện được, nhói trong tim vì mình cũng có một lời hẹn như vậy.
                 Ôi nhớ thương tháng sáu, trái tim tôi như vỡ òa khi cả thế giới hướng về nó, Ba lan. Tháng này, nơi mình từng ở đẹp lắm, hoa rộ từng trảng và những nụ cười rạng rỡ. Mùa những bông hồng đỏ thắm - to như cái bát, mùa của nắng vàng, của cỏ xanh. Như lời một bài hát " tôi có hai mối tình - Mẹ và Paris của tôi"; trong trái tim, mình cũng có hai mối tình : Ba Lan và Mẹ Đỡ Đầu. Rất nhiều người hỏi tại sao là " Barbara Hương". Trong suốt cuộc đời này, hai cái tên đó là tên gọi, là nhãn mác, thương hiệu riêng mình. Một do cha mẹ sinh ra đặt và một do mẹ đỡ đầu đặt, và thành tên kép sử dụng trong công việc và cố sao sống cho trọn vẹn như ý nghĩa của tên.
                 Nhớ Ba lan là nhớ Gdansk cổ kính, nhớ những ngày tan học sớm lang thang trong khu phố cổ và bờ sông. Nhớ tháng sáu Ba Lan là nhớ mùa hoa tulip, nhớ những đường nhỏ như mê cung trồng đầy loại cây bụi, có quả trắng nhỏ, xôm xốp. Nhớ tiếng vo ve của đàn ong tìm mật khi nằm dài trên thảm cỏ vàng bồ công anh sau những lúc nô đùa. Có những nỗi nhớ tuổi dở dở ương ương, nhớ lời hẹn về thăm lại mẹ đỡ đầu mà không còn kịp nữa. Đứa trẻ con mãi không biết cách giữ liên lạc để bây giờ tìm trong vô vọng. Có lúc, dùng FB thử tìm lại những người bạn một thời của mình ở Ba lan, nhưng đúng là mênh mông bể sở biết đâu mà tìm. Đủ từng trải để  biết rằng có những lời hẹn sẽ không bao giờ thực hiện được và thời gian sẽ xóa nhòa đi nhiều gương mặt. Có nhiều điều mình đã quên, có những điều mình đang quên và sẽ quên. Nhưng những tháng ngày đó vẫn hiển hiện, rõ nét như nụ cười khuyến khích của mẹ đỡ đầu. Ơi là nỗi nhớ. Nhớ nên đọc mấy bài về du lịch của Ba Lan thấy ghét. Nhạt nhẽo như món ăn không muối. Ba Lan nếu để đi và ngắm thì thua xa các nước châu Âu khác, chung chung không đặc thù rõ rệt. Muốn cảm nhận Ba lan, theo mình phải để cho cái chất Slavơ thấm qua các cảm nhận mới thấy nó đẹp và nên thơ,.
              Tự dưng thèm được chân trần chạy trên thảm cỏ xanh đầy hoa vàng, được chỉ cho con yêu những nơi mẹ từng dạo chơi, vào rừng đu trên cái lốp xe cũ...Thèm và nhớ đến nhức nhối. Tháng sáu ơi, ta lỡ lời hẹn ước trở lại nhưng tim ta vẫn luôn nhắc nhở về một nơi đầy những khát khao.

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Cái đài sen non

        Mùa sen đã gần tàn hết rồi. Bằng chứng là chợ đã ít hoa sen hơn và hoa sen cũng đắt hơn nhiều. Cũng cuối hè gìnữa. Chợ cũng thấy lác đác một số người bán đài sen. Hạt sen già, chưa bóc hay bóc sẵn thì từ đầu hè đã thấy bán. Nhưng những đài sen, xanh non nhìn đã gợi lên cảm giác giòn rùm rụm, bây giờ mới xuất hiện.
         Nhớ hồi mình còn bé tí, gần trường mẫu giáo có một cái ao - " Ao cá Bác Hồ" có thả sen ở một góc. Lúc đấy, đường đi học vào mùa sen thì thích lắm vì hương sen thơm ngát và được ông trông ao cho một bông để cầm chơi. Chao ôi là thích. Đủ trò với bông sen ấy nhé. Cầm chán rồi thì mấy đứa trẻ con rủ nhau tách cánh sen làm thuyền thả ở rạch nước trong xóm. Đám con gái thì lấy cánh sen chơi đồ hàng hay xát vào môi để chơi trò công chúa, cô dâu. Những chùm nhụy sen được buộc chỉ rồi thả, xoay tít, đẹp cả cả trong những giấc mơ thơ ấu.
         Hoa sen thế nhưng mình vẫn mê cái góc đầm sen vào mùa đài sen hơn. Vẫn thơm, vẫn mát nhưng được ông trông ao cho cái đài sen thì sướng mê tơi. Cầm đến lớp thì vênh phải biết nhé. Cái vị hạt sen non, giòn tan trong miệng thì đến giờ vẫn cảm thấy ngọt. Có mấy hột sen mà chia đi chia lại, ghét đứa nào là không cho luôn. Thích nhất là lúc bà đi chợ về, chìa cho hai chị em mấy cái đài sen. Thế là bày trò đồ hàng; nào là nấu nướng, nào là bán mua rộn cả góc sân nhà. Cái bát sen tách hết hột, lấy tay vò vẫn thấy có mùi thơm dịu dịu. Mình nhớ cái cây hồng xiêm ở sân nhà, buổi trưa, trốn ngủ trưa leo lên cái chạc mà ngồi bóc từng hột sen nhâm nhi. Gió mát rượi, vị giòn giòn ngọt ngọt của hạt sen trong miệng, thấy mình sung sướng và tự do.
         Con gái cũng thích hạt sen tươi. Oái ăm, hạt sen nấu kiểu gì con cũng không thích bằng việc hạt sen tươi. Con thích bỏ từng hạt sen vào cái miệng xinh xinh, tiếng giòn tách. Thế nên thấy đài sen ở chợ là không thể không mua vài đài. Đón nàng ở trường ra mà có túi đài sen là hai mắt nàng ấy sáng rực. Ngay khi mẹ lai trên xe đã loay hoay lấy hạt.
         Con gái rủ mẹ chơi đồ hàng, con là người bán, mẹ là người mua. Có ít hột sen mà con nghĩ ra được bao nhiêu món, bao nhiêu trò nhỉ. Con cũng tách hột sen ra chơi đồ hàng. Con kiên trì hiếm thấy trong việc ngồi bóc từng lớp vỏ xanh , lấy hột sen làm cơm, làm bánh... Nhìn con chơi với các chị, mẹ lại thấy một mảnh tuổi thơ của mình.
         Mùa đài sen, mẹ lại mua. Để cùng con tách tách, bóc bóc và được nhìn nét mặt sung sướng bỏ từng hạt sen non vào miệng của con...Để lấy hạt lép đập trán nhau kêu tanh tách trộn cùng tiếng cười nắc nẻ của con. Mùa sen tàn, mùa đài sen...bình yên...
                           

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Mồng 5 tháng 5

            Sáng mới bảnh mắt, đã thấy mẹ lục cục đi chợ, bảo đi sớm mua hoa quả thắp hương. Vậy là Tết Đoan Ngọ, mồng 5 tháng 5. Tết của mùa hè, ngày hội của hoa quả. Mùa hè, mình thích nhất ở khoản hoa quả. Vốn là người ăn hoa quả cả ngày, trừ bữa cũng được nên mình thích Tết Đoan Ngọ lắm.
             Bây giờ Tết Đoan Ngọ cũng giản tiện đi nhiều, nhất là ở phố. Cuộc sống bận rộn, làm phai đi những nét truyền thống rất hay. Mẹ đi chợ về,đầy một làn hoa quả : đào, dứa, vải, mận, dưa lê cả góc mít thơm lừng tươm nước ngọt. Hai hộp rượu nếp - mẹ chiều ý thích của cả bố lẫn con, có cả nếp cái lẫn nếp cẩm. Nhìn mẹ lụi hụi sắp xếp bàn thờ, tự dưng nhận dáng mẹ giống bà ngoại. Thấy cay cay mắt nhớ bà.
             Ngày bà còn sống, ngày này bà thường lùa mấy đứa cháu dạy thật sớm, bắt nhìn vào mặt trời, nuốt 49 hạt đỗ đen. Bà dặn làm thế, cho mắt sáng vì ngày 5 tháng 5 là ngày cực dương trong năm. Hồi đấy có hiểu gì đâu chỉ nhăn nhó vì dậy sớm, phụng phịu mấy cũng phải nuốt hết nắm đậu bà đưa. Sao hồi đấy ăn chén rượu nếp ngon thế. Có năm bà ủ rượu nhưng phần nhiều là nhà mua. Những tiếng rao "rượu nếp đâyyyy...đây", len lỏi vào từng ngõ ngách của cái xóm nhỏ đấy, làm nước miếng tứa ra, những ánh mắt trẻ con thèm thuồng hướng ra ngõ. Phải đợi bà cúng xong, mới được chia một chén nhỏ, Chao ôi ngọt, chao ôi thơm, bà dặn " con gái ăn uống phải từ tốn", đố đứa bé con mình hồi đấy làm được. Cứ xúc đầy thìa cho vào miệng, những hạt nếp căng mọng vỡ lép bép trong miệng, tỏa ra vị ngọt bùi, mùi thơm của gạo ngấm men. Giờ cả buổi mình cũng chỉ làm được mấy thìa , gọi là cho có chứ không thể gợi lên cái vị thèm thuồng như xưa nữa.
             Mùa hoa quả, mà toàn quả ngọt, mọng căng và nóng. Ai máu nóng ( như mình) ăn là biết. Ngứa ran người, mẩn lên ngay. Thế nhưng cái hấp dẫn của thức mùa hè thì không sao từ chối được. Mồm kêu nóng lắm, nhưng tay vẫn bốc, lưỡi vẫn nếm, vẫn ăn. Mẹ trêu " sao bảo nóng, mày không ăn". Nhìn đống vỏ, hột trước mặt, giả lả cười trừ ' kệ, chả lẽ mùa không ăn". Đúng là sức hấp dẫn không thể chối từ. Có gì lại đến gặp " mát gan tiêu độc" sau vậy. Lạ thật, mùa hè toàn quả nóng. Có lẽ sức nóng chói chang của nắng hè giục cây tạo đường, tạo ngọt, tạo nên những mùi vị thơm lừng, quyến rũ. Bây giờ chẳng thấy dâu da bán nữa. Xuân vẫn thấy hoa trắng nở mà mùa hè lại chẳng thấy những chùm quả đỏ cam đâu. Nhằn nhằn cái quả, bằng đầu ngón tay út, vị chua ngọt lan nhẹ nhàng. Thèm thế, thèm dâu da còn thèm những ngày rủ ban trèo rào hái trộm mấy chùm quả đầu mùa. Thèm ngày thơ bé.
            Trưa, bày vẽ nấu bún vịt, cả nhà quây quần, sì sụt. Mở Skype, trêu thằng Út, nó kêu thèm. Uhm, nó thích ăn rượu nếp. Năm nay đi học xa, chả biết mấy đứa có biết đường tổ chức gì không? Có những thứ tưởng rất đơn giản mà có sức gắn bó đến lạ thường.
            Thực ra, mình thèm có một cái Tết Đoan Ngọ như văn Vũ Bằng. Mồng năm tháng năm có đi hái lá về tắm, có bó móng tay móng chân.. nhưng biết làm sao mà có được. Đành hài lòng với những gì có, với sự sum vầy của cả nhà. Kiểu như sắp lẩn thẩn, sắp già thì phải. Thôi rủ con gái xem phim, nhâm nhi hột mít luộc dể kết ngày Tết Đoan Ngọ năm nay.........

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Mùa đốt đồng

       Trước hết nó là một gái phố, là một em bé thành phố ( may không phải gà công nghiệp) rồi thành gái phố. Kỷ niệm của nó về quê thì chẳng có gì nhiều nhưng một điều rất lạ là nó có rất nhiều bạn đến tự những vùng nông thôn khác nhau. Và cũng chẳng hiểu sao nó lại thích nông thôn, thích sự yên bình. Có lẽ bắt đầu qua lời kể của cha, những kỷ niệm hiếm hoi khi nó về quê nôi. Quê nhà dấu yêu.
        Cũng từ rất lâu rồi, nó mới thấy cảnh hoàng hôn la đà trong khói. Khói mù lên rồi tản ra. Mùa đốt đồng, mùi rạ cháy êm êm. Hoài Thanh cũng nhận định là  " trong ai cũng có người nhà quê". Mùa đốt đồng, cái mùi rạ cháy gợi lên sự ấm no của những vụ lúa đã thu hoạch. Mùa đốt đồng bây giồ không vui như lời bố kể nữa. Khói bao phủ cả con đường, ẩn hiện những xe cải tiến, xe ngựa chở lúa. Tiếng máy tuốt lúa phun rơm, mùi thân rơm ngai ngái, mùi thóc dịu dàng. Trên con đường nó đi, nhìn sang hai bên vẫn là ánh mắt hồ hởi của người nông dân đón lúa.
         Có một kỷ niệm về mùa đốt đồng mà nó vẫn nhớ đến bây giờ. Lần năm cuối đại học về hải dương viếng đám tang nhà người bạn cũng vào mùa đốt đồng như thế, Cả cái ngõ nhỏ um toàn khói , chân bước lẫn vào rơm, mãi mới tìm được nhà. Chiều muộn, ngồi với đứa bạn trong nhóm ở bờ ruộng vẫn thơm mùi rạ cháy, thấy yên bình đến khi nó buông " Yên bình mãi thế này thì chết vì nản mất". Giờ chả hiểu đã vợ con gì chưa nữa.
         Mùa đốt đồng - lại một chiều đi qua ngoại thành . Khói bay mịt mù, rợp cả đất trời. Người lớn thu dọn quang gánh sau mùa thu hoạch, trẻ con cười đùa, chạy quanh các bờ ruộng chơi trốn tìm với khói, thoắt ẩn rồi lại thoắt hiện giữa bao la khói như bà tiên xuất hiện trong chuyện cổ tích… Gió mang mùi của khói, của đất, của rạ mới  lan tỏa khắp nơi. Mùi khói cay xè, mùi đất ngai ngái, mùi rạ mới ngọt dịu…những tất bật, hớn hở của người nông dân Sao thấy lòng mình rộn ràng. Trong mênh mông khói của những ngày đốt đồng, với màu khói lam chiều, màu đen kịt của những gốc rạ cháy khô, một cảm giác thấy nhẹ hẫng, yên bình, bồng bềnh ùa về cùng với chút lưu luyến, nuối tiếc len lỏi…
              “Gió phóng túng thổi trên đồng bát ngát
               Gốc rạ phơi vàng nghệ giữa trời
               Ai châm lửa cho cánh đồng bốc cháy
             Dựng giữa chiều từng cột sóng rong chơi” 
                                            (Diệp Minh Tuyền).
           Lần đầu tiên con gái được bước vào vùng khói như thế. Con đầy háo hức và tò mò. Nóng, gió bụi làm con ran rát ngứa nhưng không xóa nổi ánh mắt ngời lên vì một trải nghiệm mới mẻ của con. Giá như không vội vàng, nó muốn cho con gái thỏa thích chạy xuống ruộng chơi, để con có những cảm nhận sâu hơn về mùa đốt đồng. Tuổi thơ của mẹ không có nhưng mẹ muốn con gái có tuổi thơ giàu màu sắc hơn mẹ mà sao thấy khó quá.
          Muốn một ngày thảnh thơi dẫn con đi choi ngoại ô, muốn con có có những cảm nhận về hoa lá, thiên nhiên.  Nó cũng muốn đắm mình vào khung cảnh đấy để thấy nỗi nhớ dịu êm về một kỷ niệm.....

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Những con chim cụt cánh

Cách đây tầm gần năm, tình cờ đọc được từ 3C trên một blog. Chữ 3C khiến nó tò mò mà luận mãi không ra, phải hỏi cho bằng được và 3C là " Chim cụt cánh". Nó khâm phục người đã nghĩ ra cụm từ này để chỉ những người đã qua đổ vỡ trong hôn nhân.
           Con chim bay cao nhờ dôi cánh vỗ cũng như tiếng vỗ tay chỉ vang lên khi đủ hai bàn tay. Ba tiếng chim cụt cánh nghe đến xót xa. Trên quan điển cá nhân thì nó nghĩ, ngoại trừ một số vô cùng ít với những lý do đặc biệt, thì mọi đám cưới đều được kỳ vọng để cho một cuộc sống hôn nhân bền vững, " thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn". Nhưng đời không là mơ, khi chung sống với nhau thực tế là " Anh thay đổi, tôi thay đổi và chúng ta cùng thay đổi". Những điểm thu hút nhau, để đến được chung một mái nhà cũng thay đổi. Những thay đổi đó nếu có thể đàm phán, chia sẻ, dung hòa, chấp nhận (thậm chí là chịu đựng) thì con chim hạnh phúc vẫn bay cao. Nếu như ngược lại, những thay đổi đó bào mòn tình nghĩa, sự vị tha thì những con chim cụt cánh xuất hiện.
           Ai cũng có lý do để giải thích cho việc mình trở thành chim cụt cánh, dù là chủ dộng hay bị động. Ly hôn không phải là điều tệ nhất có thể xảy đến với mỗi người. Nó chỉ là một trong những cách mà người ta xoay xở để tìm kiếm hạnh phúc, ngay cả khi hạnh phúc đó bao gồm cả tổn thương. "Ly hôn không có nghĩa là bị thải ra khỏi hôn nhân. Chỉ là chúng ta cố gắng để xoay xở trong vô số ràng buộc, mà muốn đứng vững, ta buộc phải bứt vài nút thắt hoặc gỡ xuống vài mơ ước trong đời. Có người hy sinh cái tôi hoặc bỏ việc. Một số khác chia tay người bạn đời để được tự do cưới chính hạnh phúc của mình." - Trang Hạ. Chim cụt cánh, sau những đổ vỡ hôn nhân, mỗi con người sẽ rẽ ngang ngả khác. Sẽ loay hoay, xoay xở để tái tạo, để sống như con chim rời bầu trời để quen với việc bới đất của con gà.
           Có những người sau sự thay đổi trạng thái, không thể vượt qua cái bóng của cuộc hôn nhân cũ để mở đầu cho cuộc sống khác. Có người trở lại cân bằng nhanh hơn, đón nhận những thay đổi nhẹ nhàng hơn. Dù thế nào thì những con chim cụt cánh cũng phải tìm cách để sống. Nếu không thể bay thì con chim sẽ bơi, sẽ chạy, sẽ chuyền cành ... và tìm ra cách sống mới phù hợp với mình nhất. Nó luôn nghĩ rằng hôn nhân là việc mỗi cá nhân đem những giá trị của mình đóng góp để tạo ra những gia trị mới, lớn hơn, tốt đẹp hơn. Nếu như sự lắp ghép không còn chuẩn xác thì khi ra đi, cố gắng để giữ lại những giá trị thuộc về mình. Tình cảm không phải là cái bất biến mà bản chất nó luôn động. Nó nghĩ nhẹ nhàng rằng hết duyên để đi cùng nhau thì buông tay để bảo toàn những cái tốt đẹp nhất còn có thể giữ lại dù có thể rất đau đớn, mất mát. Nó không nhận định là đàn ông hay đàn bà ai sẽ thấy mất mát hơn khi thành chim cụt cánh nhưng dường như định kiến xã hội vẫn đặt nặng trách nhiệm về người phụ nữ. Nó nghĩ rằng ai nặng tình với hôn nhân hơn thì người đó sẽ nhói lòng nhiều khi nghĩ về.
          Níu kéo cuộc hôn nhân khi mọi cái đã không còn không khác gì việc đặt cái mái nhà lên những cọng nan. Khi không chịu nổi, các cọng nan có thể gãy và mái nhà ụp xuống, có lẽ sự tổn thất gây ra sẽ đáng sợ hơn nhiều. Nếu như không gãy thì những con người dưới mái nhà đó luôn phải trong tình trạng căng thẳng và nơm nớp. Hãy nghĩ mọi chuyện theo hướng tích cực nhất có thể. Mọi cái cần làm thì hãy làm để cho mình bình yên và tốt nhất cho con. Vì con mà điều chỉnh mọi hành vi của mình, để cho con có đủ những tình cảm yêu thương mà vốn dĩ thuộc về mình. Nó thường cảm thấy buồn khi cách người ta đối xử với nhau sau khi chia tay, cạn tình cạn nghĩa. Khi làm như vậy chẳng phải tiếp tục khoét sâu vào nỗi đau của mỗi người và làm tổn thương những đứa con bé bỏng. Nhẹ lòng đi vì chữ duyên đã hết. Bình yên đi để có thể sống tốt hơn, thanh thản hơn sau những chông chênh, bồng bềnh của mất mát.
          Chim cụt cánh đâu có nghĩa là hết yêu thương, đâu có nghĩa là không xứng đáng để có hạnh phúc thực sự. Trong quá trình tìm kiếm hạnh phúc của mình những 3C sẽ vất vả, sẽ dễ tổn thương hơn. Không chỉ còn là bản năng mà còn cả "kỹ năng", mang theo cả những vết thương, cả sự phòng thủ tự sâu trong tiềm thức và như thế sẽ khó khăn hơn gấp nhiều lần. Quá trình dài hay ngắn, dịu êm hay dữ dội, suôn sẻ hay trầy trật, nhẹ nhàng hay nặng nề thì không ai có thể trả lời được. Chẳng có mẫu chung nào cho 3C. Mỗi 3C sẽ tự vận động để tìm hạnh phúc của mình theo cách mà phù hợp nhất. Vẫn tin đâu dó hạnh phúc đang chờ mình.
          Khi gõ những dòng cuối của entry này nó biết lòng mình đã bình yên. đã khép lại những mệt mỏi của một chặng đường. Dù vẫn còn đó những sự phiền toái hệ quả từ đoạn đời đó nhưng lòng an nhiên hơn, thấy yêu mình hơn. Đâu đó hạnh phúc và bình yên đang chờ mình, vậy nó hãy cứ đi để sống, để yêu thương và để bình yên.

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

For you - Daddy

          Còn chút ngày nữa là đến ngày của Papa. Đã từ lâu con luôn muốn viết một điều gì đó dành cho bố. Bố yêu quý, với người Á Đông thì việc người đàn ông bộc lộ tình cảm vẫn còn là một điều khó khăn, nhất là đối với con gái khi đã lớn. Cái tình thương của người cha thật rất khác với tình thương của người mẹ. Với con, bố là một đàn ông Việt rất điển hình. Một người đàn ông lo lắng chu toàn với vai trò trụ cột trong gia đình và trách nhiệm con trưởng trong đại gia đình. Tuổi thơ của con có những giai đoạn không có dấu ấn của bố vì bố xa nhà. Con bắt đầu đi học lớp 1 cũng là lúc bố đi học tiến sĩ ở nước ngoài. Con nhớ mãi lần đầu tiên nghuệch ngoạc viết thư cho bố, mãi mới được mấy dòng để mẹ kẹp vào thư của mẹ và chị gửi đi. Khi bố xa nhà, một trong những điều con thích là được viết thư kể cho bố biết về những điểm 9 điểm 10 đạt được. Bố vẫn hiện diện trong nhà qua lời kể của bà, của mẹ. Nhất là khi con đi nghịch khắp xóm về , bà hay có câu" để bố mày về, bà mách".  Từ đó con luôn nhớ đến bố như một điểm tựa về sức mạnh và cả sự uy nghiêm.nên cũng bớt nghịch đi nhiều.
           Có những lúc nghĩ về tuổi thơ, con lại nhìn thấy hai con thú thổi hơi hình con hải cẩu màu xanh và con cá voi. Với tuổi thơ thiếu thốn đồ chơi, món quà của bố gửi về cho chúng con đẹp như một điều không thật. Trẻ con trong cái xóm nhỏ đấy đều ghen tị với chị em con. Hai con vật đấy và mùi thơm của quả táo tây khi bố về phép thường gợi cho con sự tò mò về nơi bố đang sống và làm việc. Con thường nghĩ nó đẹp đến lung linh mà chưa hiểu được sự vất vả của cha mẹ khi sống xa nhau và lao đi kiếm sống.
           Với mỗi kỷ niệm, khi ngẫm lại con lại thấy một bài học quý về cuộc sống mà bố đã dạy chúng con. Bố đã dạy con cháu rất nhiều điều mà bố đúc rút qua sách vở cũng như từ chính cuộc đời của bố. Bố đã dạy chúng con phải biết tin vào chính mình khi ra quyết định. Khi cuộc sống riêng của con đang ở lúc rối ren nhất, bố đã dẫn đường cho con bằng câu hỏi " Con muốn gì ở cuộc sống của mình" để rồi từ đó con biết mình cần làm gì.
    Bố kính yêu.
        Con luôn cảm nhận được sự che chở của bố cho dù đã bước qua nửa đời người. Nó ấm áp như bàn tay của bố khi dẫn con sang đường, trong buổi sáng đầu tiên ở Ba lan. Đó là một kỷ niệm mà con nhớ đến độ có thể vẽ lại được đến từng chi tiết. Đó là Bố của con. Bố như cái cây che chở cho cả gia đình, để cho con cái sự bình yên mà bố đã  nỗ lực rất nhiểu. Bố đã nêu cho con một tấm gương về sự học hỏi, về sự cố gắng và về ý thức gia đình, dòng họ. Bằng những việc làm , cách bố xử trí khi đối diện những khó khăn, sự ham học hỏi và nghiên cứu của bố. Bố là người đàn ông Á Đông rất điển hình, đảm việc nước, việc họ mạc nhưng việc nhà bố luôn nói đến sự quán xuyến của mẹ và bố luôn nhắc chúng con phải chia sẻ và chăm sóc mẹ. Bố tuyệt nhất.
       Bố biết không, con luôn thấy thoải mái khi nói chuyện với bố, về mọi vấn đề. Có lẽ bố có cách nói chuyện rất thấu hiểu, bố như ngọn đèn định hướng khi con thấy rồi bời và con thấy bình yên ngay lập tức khi bố vỗ lên vai con. Từ nhỏ đến lớn, con ăn đòn do bố đánh có một lần và nó không hề đau. Lần đó con đi dạy tình nguyện về muộn mà không báo cho nhà biết. Cái roi của bố đầy yêu thương và lo lắng. Từ việc nhìn bố trong cuộc sống con học được một điều mà
con tin rằng con may mắn mới học được nó. Đó là " rơi nước mắt không phải vì con yếu đuối, người mạnh mẽ nhất cũng rơi lệ. Điều duy nhất khác nhau là cách người ta đối diện và giả quyết nó thế nào".
      Bố đúng như bài hát mà cháu Mẫy vẫn hát: " Bố là thuyền nan, cho con vượt sóng....Bố là tất cả..."
           Papa yêu quý, với con bố là người đàn ông tuyệt vời nhất . Dù bây giờ, tóc bố đã bạc gần hết, những lo toan của cả cuộc đời bố đã hằn thành những nếp nhăn trên trán nhưng theo con bỗ vẫn là người đàn ông đẹp trai. Chúng con yêu bố vô cùng.
              

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Chán như con gián....

             Cũng lâu lâu chẳng viết gì cho bản thân mình thì phải. Nhiều lúc suy nghĩ nhẩy nhót trong đầu, thì chẳng gần cái gì có thể viết. Lúc ngồi được thì câu chữ lộn xộn, nhộm nhoạm như cua bò trong chậu. Thế là thôi.
              Đều đều, giờ cuộc sống quanh quẩn ở cái việc làm mẹ ngoan, xoay tròn theo nhịp con ăn, con học, con chơi..Có lẽ trừ việc chăm sóc con và bố mẹ thì lòng dửng dưng trước mọi chuyện. Haizz a, không ổn một tý nào . Sếp đi họp về, kêu ca đủ thứ, từ công nợ đến việc mình không yêu nghề. Dửng dưng, yêu làm sao được khi chẳng thấy đam mê. Đã bao lần tự hỏi phải chăng " nghề không chọn mình ?" Thấy thèm được bận rộn, được say mê, công việc được thổi đầy nhiệt huyết. Biết rằng một công việc tốt lúc này là cực kỳ khó nhưng sao lòng thấy vô cảm. Có lẽ vấn đề nằm ở mình hay mình đang rơi vào một nơi không phù hợp. Bao nhiêu cái muốn làm thì bị gàn đừng làm, vậy thì làm sao mà yêu nghề được. Vậy vấn đề là ở đâu???
             Tự dưng thấy thèm một cái tựa cho qua lúc chênh chao, thèm một cái sọt rác để lắng nghe cái lẩm cẩm, ẩm ương của mình. Nó rất sợ cái cảm giác nhờ nhờ, không yêu không ghét. Sự trống rỗng, thờ ơ này đang giết chết nó theo một nghĩa nào đấy. Vốn là người dư thừa cảm xúc, yêu hay ghét đều dễ hơn người một bậc. Yêu đến hòa tan mà ghét đến chìm sâu. Chi ít thấy nó còn có lý hơn trạng thái bây giờ. Chán đến mức dù hết sức kêu gọi đến tinh thần trách nhiện, bổn phận vần không thấy tinh thần lên nổi. Dửng dưng, thờ ơ, phải chăng tâm hồn đang chết....
             Mới có dịp gặp lại một người từ quá khứ. Đến lúc bị hỏi " Sao chẳng thể quên." Bật cười, trân trọng điều đó nhưng nó có cần đâu. Sao thì nhiều lắm, ai có phận nấy, vô duyên thì thắc mắc làm gì nhỉ? Nó cũng hay nghĩ lại những gì đã xảy ra nhưng tuyệt nhiên không hối tiếc. Nó chẳng bao giờ níu giữ cái gì đã qua cũng như thèm muốn cái không của mình. Nó nhăn nhở, rạng rỡ ngay cả khi trong lòng biết mọi cái là số không tròn trĩnh, trống rỗng hun hút. Vẫn chỉ là một người đàn bà phù phiếm nhưng liệu nó có nông nổi không. Có lẽ vì thế nó là " khó quên". Khó quên chẳng phải vì nó được yêu thương sâu đậm đến ngút ngàn mà có khi lại vì cảm giác thất bại vì không thể có được, vì cái cảm giác bị gạt phăng ra khỏi cuộc sống của nó. Tính sở hữu đơn thuần.
          Nó chẳng tự tin vì mình xinh đẹp hay yêu kiều. Nhưng nó biết mình cũng có một vị trí nào đó trong những người từng yêu thương, quý mến nó. Chỉ là vô duyên nên chưa thể tìm đúng người đi đến cùng tình yêu của nó. Cô đơn ngay cả khi được chiều chuộng nhất. Nó cũng thấy hoang mang vì những nhìn nhận đầy lý tính của mình. Thèm làm người đàn bà nông nổi, ngây thơ để bớt đi những câu hỏi, phân tich và lựa chọn. Ngay từ khi tóc thiếu nữ đổ mềm vai, nó đã như thế, cái chất đàn bà từ khi còn trẻ con nên mãi mãi nó chỉ là người đàn bà trẻ con, mơ mộng. Cái mớ lùng nhùng đấy chẳng thể nào lý giải được, mọi mặt cứ đối nhau chan chát. Nên giữa những mặt đối lập đấy, nó thấy mình cô đơn và chán đến dửng dưng.
         Có những người nói nó phải thay đổi, phải tung tóe, phải xa xỉ, phải mở lòng, phải bớt đi ý thức bổn phận. Tóm lại phải thay đổi triệt để. Cười trừ vì nó biết mình sẽ không làm được những cái đó. Nếu có với sự cố gắng thì cũng được phần nhỏ. Thế nên " đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt" mà biết mỏi mệt vẫn cứ phải loanh quanh.....

      (ngày mà nó muốn nổ tung vì chán, vì thất vọng vậy mà nó lại nhăn nhở, rạng rỡ thế nhỉ...)