Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2017

Mưa ở Bali.

Đến Bali trong những cơn mưa nhiệt đới dai dẳng. Bầu trời lúc nào cũng trùm hũm nước. Khó có thể nói Bali đẹp hay không. Cá nhân nó thấy Bali na ná việt nam với những lộn xộn nhộn nhạo của nơi du lịch tăng trưởng quá nhanh.
Chuyến đi này thực chất không đúng gu du lịch của mình. Cuộc tập hợp của những đứa làm sales, nhìn đâu cũng ra tiền và nói phét như rồng:)). Trong lúc mưa sáng nhịp nhàng, chúng nói về những kế hoạch, cố gắng show bản thân mình với những ý tưởng. Nhiều lúc thấy những đứa làm sales thật tội nghiệp, vì lúc nào cũng phải tỉnh táo, phải cố gắng ngay cả khi tưởng ung dung nhất.
Mưa gõ xuống mặt biển, tiếng sóng quất vào đá ào át. Nó nhìn bao la trước mặt với lòng nhẹ nhàng hơn. Cái gì đến sẽ đến. Nếu đã làm hết sức thì không có gì để tiếc...
Bali mùa khô sao mưa quá nhiều...

Vu vơ



Thỉnh thoảng Nó có những cái liên hệ rất dở hơi. Giống như có cái công tắc, khi kích hoạt bởi một điều gì đó là nó lại bị lôi tuột về góc riêng của mình. 
Sáng qua chợ, thấy bà hàng trộn mớ rau sống nõn nà mà nó nhớ đến cái mùa hanh hao, háo nước ngoài bắc. Nó thèm cái gì nóng nóng tròn vị để cân bằng cái thoáng nhớ mùa. Gọi bát bún riêu, được mang đến một bát đầy ú những miếng huyết, giò, đậu, bún. Thế là khổ thân cái cơn thèm không được thỏa mãn, bát bún bỏ lại hơn nửa.
Cái nó thèm là bát bún riêu chân phương, chỉ có riêu cua béo xốp mềm với chua rất dịu của dấm bỗng. Nó thèm cái đĩa rau sống trộn cây chuối giòn tan, rau mùi thơm ngát, rau diếp thái sợi nhỏ, gọn gàng mát mắt. Lâu rồi kiểu bún riêu thế chỉ có nhà nấu chứ ngoài hàng hầu như không có. Món rất dễ mà cũng rất khó nấu cho đúng vị cân bằng. Thứ cua vào mùa gặt béo ngậy, váng vàng ươm. Bún trắng chan đầy nước riêu, phập phồng mấy miếng cà chua đỏ mượt, lả lướt ít dọc hành xanh, gạch cua loáng vàng bên mảng riêu cua hồng đất xốp mềm, tan khi đưa vào miệng. Chết thèm cái vị chua dịu dù chẳng đáng bao nhiêu nếu quy ra tiền. 
Cua trong này dù làm kỹ đến đâu vẫn có vị xảm và không có vị béo rất duyên. Có thể là do chất đất nên cái rau con cua không được đậm vị. Nó vẫn mua cua về nấu canh rau nhưng lâu rồi bát riêu cua suông ăn với cà cũng ít thấy ở mâm cơm. Bát riêu cua nguội nấu khéo chan cơm, thêm mấy miếng đậu rán giòn chấm mắm ớt, cà pháo giòn thì đúng là thứ nghĩ đến thèm trong cái mùa mưa nơi đây.
Cái góc đàn bà – góc riêng của nó để cất những cái linh tinh. Những cái khó gọi thành tên nhưng dịu dàng lẩn khuất. Để lúc nào đó lại lấy ra ngắm nghia, suy nghĩ để thấy mình vẫn đang sống, vẫn mềm mại đàn bà...

Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

Câu chuyện gia đình.

Chiều anh bạn gọi trên Zalo. Vài câu chuyện ba láp, linh tính cho mình biết có lẽ chả tự dưng mà hỏi thăm. Rồi anh hỏi về thủ tục ly hôn. Mình biết rõ mà chả biết nói gì. Vốn cuộc đời có những ngã rẽ hết sức bất ngờ mà bắt đầu từ những cái không ngờ. Thực sự mỗi lần nhận thiếp cưới hay nghe tin ai đó ly hôn mình đều có những suy nghĩ vu vơ Anh bạn cũng là đối tác cũ, hiền và tử tế, truyền thống, vợ đẹp con xinh, kinh tế ổn. Rồi cũng chia tay. Mình không có thói quen hỏi nhiều về đời tư người khác, duy nhất chỉ một câu “ anh có thất vọng về mình không”. 
Ly hôn trong xã hội hiện đại không phải là hiếm. Có vạn lý do để hai người bước ra hai phía từ một cánh cửa chung. Mình từng trải qua cũng nghe rất nhiều những trải nghiệm trước và sau ly hôn. Khi đường ai nấy bước, có quá nhiều lý do vin vào hay nhiều mối quan hệ đưa ra: bố mẹ, con cái, tài sản... nhưng ít ai có thể nói rằng “Tôi cảm thấy quá đủ rồi, tôi không muốn nữa”. Hôn nhân là việc hai người, vợ và chồng. Là hạt nhân cốt lõi của gia đình, là nguyên nhân kết nối các quan hệ khác như nội ngoại con cái. Khi đến tự nguyện thì khi đi cũng nên đàng hoàng. Duy nhất tự hỏi rằng mình và đối tác còn yêu nhau, còn cần nhau hay không. Mọi cái khác đều điều chỉnh được. Ly hôn không phải chuyện vui nhưng cũng không phải chuyện dở. Ly hôn không khó, sống tiếp thế nào mới khó. Mình thấy mất khoảng một năm để cân bằng . Phụ nữ sau khi ly hôn thường nhanh ổn định hơn đàn ông nhưng đàn ông nhanh có bước tiếp theo hơn. 
Nhìn một vòng những gia đình xung quanh, có lẽ bận rộn, mệt mỏi, thiếu trò chuyện làm chúng ta quên mất những điều đã khiến chúng ta yêu nhau. Cảm xúc giảm dần thay bằng trách nhiệm, nồng nàn thay bằng nhạt nhẽo. Có câu “ ai cũng có thể lấy nhầm người” vì ai cũng thay đổi. Sợ nhất là đến lúc nhìn nhau lẩm bẩm người đó có phải người mình đã chọn không. Có khó nhọc gì vài phút mỗi ngày chúng ta nói chuyện với nhau vì chính chúng ta muốn. Để cùng nhau điều chỉnh và cùng nhau thay đổi trước khi trở thành những hành tinh xa lạ, va vào lại bật ra.
Cũng khó để hoàn hảo vì mỗi người đều có những vai trò xã hội khác nhau nhưng mình tin rằng nếu thực sự có tâm thì sẽ có quả 

Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

TRUNG THU MƯA

Cứ mỗi dịp lễ tết là những người xa nhà nôn nao nhớ. Nó nhớ mùa Trung Thu rộn ràng tiếng trống, nhớ cái không khi trong vắt giữa mùa thu. Nơi này bận mà cả mùa Trung thu không nghe thấy tiếng trống múa Lân. Sài Gòn có nhiều thứ để thích nhưng cái không khi lễ lạt la đà thì hầu như không. Cuộc sống tất bật nên chén trà cũng uống vội.
Tranh thủ lúc các con đi Trung Thu được tổ chức dưới nhà, Nó bày mâm cỗ trông trăng. Gọn gàng nhất có thể. Tiếng ríu ran của bầy trẻ dưới sân chung cư vọng lên, tiếng cười, tiếng hét. Những âm thanh đưa Nó về những mùa Trung Thu ngày nào. Những Trung Thu khi Nó còn là cô bé tóc bum bê, háo hức đợi trông trăng với những mâm cỗ giản đơn, với những cái đèn thô sơ. Trung Thu là những ngày bóc hạt bưởi xước tay, phơi cho thật nỏ rồi xỏ lại. Những cái đèn xanh đỏ từ giấy oản bà đi lễ Phật cả năm dành lại. Chỉ tiếng cười của những đứa trẻ tràn trề trong cái xóm nhỏ. Mùa Trung Thu, mùa những trái chín ngọt thơm, của những sản vật mùa thu. Nó giật mình là quên mua cốm – Trung Thu nó thích nhất là cốm ăn với chuối tiêu trứng cuốc. Cái dẻo đi với cái mềm, cái thơm dịu dàng lúa mới với cái thơm ngào ngạt chuối chín kỹ. Nó cũng thèm bánh nướng truyền thống với mùi lá chanh, vỏ cứng thơm ; thèm bánh dẻo chay ngát mùi hoa bưởi. Cả một trời thương nhớ gọn trong những cái nho nhỏ tinh tế.
Nó yêu mùa thu la đà chậm rãi của miền Bắc. Mùa yêu thương dành cho gia đình. Nó có chân đi, và có thể đi không chán nhưng mùa đoàn viên Nó muốn về nhà. Ăn bữa cơm đơn giản với bố mẹ, dung dắt bọn trẻ đi xem múa lân, ngồi cùng chồng bên chén trà ấm đợi trăng
Mưa, bọn trẻ vừa về nhà thì mưa. Nó kéo cửa sổ, ngắm bọn trẻ phá cỗ thấy con mình có chút thiệt thòi vì cuộc sống của các con ít trải nghiệm đơn giản mà âm ỉ nhớ.

Sau này, con Nó sẽ nhớ gì khi mỗi Trung Thu về….

Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

Trời mưa quá em ơi, bài thơ ướt mất rồi còn đâu….

Cơn mưa ào ạt trút từng nắm nước tối tăm mắt mũi, sùng sũng nước ngập dần trên các phố dài. Mùa mưa bắt đầu dữ dội với những trận mưa ào ạt. Đường phố co lại trong mưa với những dòng xe cộ tắc nghẹn nhích nhích từng cm. Vây quanh là những khuôn mặt nhạt nhòa trong nước, Nó chợt nghĩ đến lời bài hát « trời mưa quá em ơi, bài thơ ướt mất rồi còn đâu...»
Giờ đến cái tuổi sợ mưa, ngấm mưa là đau đầu nhưng cái thú ngắm mưa thì luôn như hồi còn bé. Hồi ấy, mưa thế này là ào ra tắm mưa. Cái xóm nhỏ hồi ấy chẳng có gì nhiều bằng ao, rãnh và một đám trẻ nghich kinh hoàng. Tắc đường, chết dí trong cái xô nước trời bị nghiêng, Nó nhìn phố được vá víu bằng những màu áo mưa lộn xộn như tranh Picasso, những thương hiệu được quảng cáo nhòe nhoẹt. Cái mũi của những người làm maketing không bỏ sót bất cứ chỗ nào có thể .
Mưa trút hàng thùng nước cứ ào ào đổ xuống, Nó tháo giày thả chân trần trên mặt đường ngập dần. Cái lạnh mát dưới chân làm cảm giác chờ đợi nhẹ nhàng hơn. Nói cho cùng, nếu không thể thích thì cũng có thể hòa hoãn và tìm cái tích cực nhất có thể.
Cũng lâu rồi Nó không viết cái gì tử tể hơn một bản báo cáo ngắn gọn. Có lỗi với bản thân mình khi viết linh tinh là cách nó làm dịu đi tâm trí. Hàng me xanh vặn vẹo, những chùm hoa lẫn lá non rơi lả tả, vậy là văn phòng cũng gần rồi. Trôi mãi rồi cũng tới. Bài thơ của nó lại rơi xuống hiện thực khi chưa kịp ướt những vần mong manh.
Đường đã thông hơn và một ngày bắt đầu, tuần mới, tháng mới… và mong rằng có cái mới để phập phồng cười mỉm…

Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

Tôi ơi

Lâu lâu quyết trốn việc nhà để ngồi cà phê suy ngẫm. Dạo này mình hay lăn tăn câu hỏi mình muốn gì, muốn làm gì...
Uể oải mệt mỏi là cảm giác khi nghĩ đến công việc lúc này. Nghĩ đến công việc thì chỉ một lúc là đầu mình link đến việc đi đâu chơi. 
Nhìn FB cũng như các note trống trơn, biết luôn mình đang trong trạng thái lơ lửng. Mình muốn gì...
Khi cái câu hỏi cứ luẩn quẩn thì phải tìm lời giải đáp để đóng trạng thái.
Cứ có một chu kỳ, độ vài năm mình lại rơi vào cái câu hỏi này. Và sau đó là những quyết định thay đổi, nhiều quyết định khá bất ngờ với cả chính mình. Có lẽ mỗi giai đoạn người ta lại hướng tới một cái mục tiêu khác nhau. Vậy lúc này mục tiêu của mình là gì .
Chậm lại không có nghĩa là từ bỏ mà là giai đoạn xác định mình muốn cái gì và làm gì để làm được mục tiêu đó. Chậm để ngẫm lại những gì có và cần thay đổi hay bổ sung thêm
Mình muốn gì ...

Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

linh tinh



Lâu rồi mới cỏ cảm giác một chiều thật thu. Với bầu trời nặng mây và gió se se hơi nước. Từ khi chuyển về căn nhà này, Nó mới ngồi bên khung cửa nhìn dòng sông lấp loáng, viết linh tinh.
Cái chiều lưng lửng giao mùa làm Nó nhớ nhà. Nhớ những con đường có lẽ đã bắt đầu thoáng hương hoa sữa. Mùa này chính ra lại hanh hao, đất Sài Gòn ung ung hơi nước cũng làm Nó nhức đầu. Mùa này ở bắc là có sấu chín, có những quả hồng đẹp như hồng ngọc bắt đầu vào vụ. Mùa này, Nhà nó thường rủ nhau đi ăn ốc cuối tuần. Mắm cay thơm mùi sả lá chanh, cái se lạnh thoảng qua khi trời vẫn nóng. Từ ngày vào Sài Gòn, thực sự là Nó ít lang thang ăn vặt hơn. Một phần cuộc sống quá nỗi tất bật, một phần do khẩu vị, phần nữa là do thiếu cái không khí khiến Nó muốn đắm vào lang thang, không mục đích với những giác quan mở rộng.
Cuộc sống là một vòng quay, mỗi thời điểm là một vai trò và không phải lúc nào vai trò đó cũng có thể vui vẻ thực hiện . Những cái mệt mỏi, bực mình có thể bỏ qua nhưng vẫn tích tụ dần dần . Và Nó cần những buổi lan man, không mục đích để hòa tan đi những tiêu cực còn trong mình. 
Mùa Thu, lúc giao mùa là ứng cử hoàn hảo cho cái tính lan man vơ vẩn của Nó. Ngồi ngắm những ngôi nhà lên đèn trong cơn mưa muộn, Một ngày trôi qua yên bình…

Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Người thú vị

Nó tin rằng ai cũng xứng đáng là người thú vị. Theo cách này hay cách khác và có đủ thời gian để cảm nhận được hay không. Chuyến bay hơn 3h, song hành một người rất hài và thú vị khiến nó nghĩ nhiều hơn về cuộc sống.
Trải nghiệm việc nói nhiều với phát âm kiểu úc làm nó cười không dứt. Sự lạc quan yêu đời của một người gần 80 tuổi khiến nó thấy cuộc sống mình chật hẹp. Ông già kể về những nơi đã đến, lôi bản đồ thế giới ra chỉ. Nhắc lại những kỷ niệm, những trải nghiệm, câu chuyện hài hước gắn với nơi mà ngón tay chỉ tới. Nhắc đi nhắc lại "crazy but too much fun". Tao làm thợ máy bình thường; nhưng tao luôn cố gắng để đi "see the world". Tao đi mọi lúc có thể. Trẻ tao đi tàu, xe, xe đạp. Sao phải cần năm sao, tao ở khách sạn 2 sao thôi, book vé rẻ nhất...nhưng mày thấy đấy tao đi khắp nơi. Bây giờ tao bị vôi hóa cột sống, chân trái không gập được nhưng tao vẫn đi...Ai biết ngày mai sẽ ra sao nên mày cần enjoy, mà vui sống, vì sẽ có nhiều thứ mất đi.
Ông già làm mình thấy cuộc đời thật đẹp. Nó nghĩ đến bố mẹ, đến rất nhiều người, đến chính mình và cách mỗi người đang sống. Nó muốn thấy bố mẹ được vui vẻ, được cảm nhận cuộc sống theo cách nhẹ nhàng phù hợp. Không còn lo lắng cho ngày mai quá nhiều. Luôn có đường phía trước.
Một con người thú vị, ngày vui hơn vì những câu chuyện lặt vặt

Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Là Nhà

Nhà là nơi ai cũng muốn trở về sau mỗi ngày bận rộn. Là sự quây quần, yêu thương sau những tất tả bon chen. Với nó nhà không nhất thiết là to, mà phải ấm. Ấm bằng những điều nhỏ nhặt thường ngày. Full house không bằng đồ mua được mà bằng những chăm chút của mỗi thành viên.
Nó lắng nghe những âm thanh của nhà. Chúng tôi làm quen với nhau khi Bố con nhà nó đã chìm vào giấc ngủ. Bố tụi trẻ mệt bã sau những ngày lu bu. Tội Béo. Vụ nhà cửa sửa sang một tay Béo làm. Việc của vợ có tí ti. Tối ngồi nói chuyện bảo Béo " em có mỗi việc là câu anh còn lại anh lo ))". Mình thua xa lão ấy khoản tỷ mỷ và khéo tay.
Nhà gấu gần với sự ổn định thêm chút nữa. Mọi việc còn lộn xộn nhưng dần dần mọi việc sẽ ổn thôi. Nhà vẫn cần thêm những chi tiết nhỏ mang dấu ấn riêng. Cần những mảng xanh ngọt ngào thư thái. Cần những điều xinh xinh với những nụ cười. Một chương mới bắt đầu.

Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

Ổn định.

Tặng một người bạn 

Cái tuổi lưng chừng trung niên, chúng tôi bắt đầu suy tư nhiều hơn, lăn tăn nhiều hơn về ổn định. Thế hệ chúng tôi lớn bằng kỳ vọng ổn định của cha mẹ. Không lạ vì sau bao năm chiến tranh, đói kém thế hệ cha mẹ chúng tôi gửi hy vọng vào chúng tôi với cuộc sống ổn định. Ổn định theo nghĩa là có vợ có chồng, có công việc, con cái, có nhà cửa yên một chỗ ) rồi túc tắc sống. Cuộc sống không nhiều kỳ vọng thậm chí buồn tẻ nhưng ổn định.
Thế hệ chúng tôi loay hoay với những thay đổi chóng mặt của cuộc sống từ sau mở cửa. Là lớp lao động đầu tiên đón sự chi phối của kinh tế thị trường, chúng tôi là khối mâu thuẫn, vật vã tìm đường cho chính mình.
Nhìn trên status, tôi đoán bạn phân vân dữ dội về cuộc sống của mình. Lâu rồi, nói chuyện với bố, bố bảo " cuộc sống hết chuyện này thì sẽ có chuyện khác tới". Vậy đó, với tôi ổn định là khái niệm cực kỳ tương đối, nên lúc nào tôi cũng thấy ổn. Bạn biết mà, cuộc sống của mình biến động như nhịp tim ấy. Tôi coi nhà cửa, tiền bạc rất nhẹ vì chúng đến và đi. Chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em... là điều quý giá vô song nhưng lại là ngoại thân. Đáng tiếc phải không bạn. Vì chúng ta thực chất chỉ có chính mình, khóc cười cũng là mình mà thôi.
Ổn định của mình là sự cân bằng nội tâm, yêu nghĩ và sống cho mình để có thể yêu thương trọn vẹn mọi điều khác. Chấp nhận mọi biến cố, giải quyết mọi việc dựa vào thực lực của mình không bao giờ là việc dễ dàng. Những điều không kiểm soát được thì nương theo nó mà đi. Luôn có một lựa chọn nếu nhìn sâu vào mình...
Ổn định với mình là vậy thôi.
Cuộc đời ngắn lắm... nghĩ nghiều làm gì... An lành nha bạn của tôi.

Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

Nỗi buồn đô thị

Dạo này người trẻ xung quanh tôi thường kêu buồn. Những người lỡ cỡ tuổi cũng hay thở dài hơn. Người nhiều tuổi hay nhìn hiu hắt. 
Có điều gì đó xung quanh những người thị dân tất bật. 
Cái vòng quay đua cơm áo ngột ngạt để kiếm sống chật hẹp khiến những ước mơ nhỏ bé dần, có khi còn lụi tàn không hay biết.
Lão chồng mình thỉnh thoảng ngồi suy tư. Mình biết lão buồn vì chưa thích nghi hoàn toàn. Những di dân từ nông thôn ra thành thị, từ nơi nọ sang nơi kia thường bị cảm giác chống chếnh do khác biệt văn hóa. Họ buộc phải xoay xở thích nghi. Có thành công và có thất bại. Khi nghĩ về những thứ chưa thể có, chúng luôn lung linh. Khi nhìn vào thực tế sát sườn lại nhiều sắc nhọn, thậm chí đau đớn. Mình ở đâu?
Tôi hay tự hỏi người trẻ buồn gì? Buồn vì chưa khẳng định mình hay vì không biết mình muốn gì? Tôi tự hỏi những người lỡ cỡ tuổi mình có buồn không? Hay bận rộn quá quên cả buồn vui. Lâu rồi, tôi không cảm thấy buồn. Cáu có nhưng buồn thì không. Tự hỏi lòng mình đạt đến cảnh giới nào mà thờ ơ. Mọi việc gói gọn hợp lý hay không ? 
Nỗi buồn của những người thị dân thường bé xíu nhưng dai dẳng, lẩn khuất sau vô vàn công lên việc xuống. Nó ở đâu đó chui ra vào lúc mong manh nhất, nhói cái rồi lại đi. Nó ở đâu và lại đi đâu để ta hoang hoải giật mình???

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Tốt nghiệp tiểu học


Một buổi lễ tốt nghiệp nghiêm trang và vui vẻ. Nhìn thấy các con bước lên bục nhận bằng tốt nghiệp, mẹ thấy rưng rưng như ngày đầu đưa con đến lớp.
Mới đó những chật vật đầu đời đi học của con đã lùi xa năm năm. 5 năm học với 2 lần chuyển trường, con đạt được yêu cầu của mẹ về những năm tiểu học mà luôn vui vẻ. Quá vui vẻ là khác. Mẹ chợt nghĩ đến việc một ông thầy bói đã nói từ khi con còn rất nhỏ" con bé này chị còn phải mệt với nó đến hết tiểu học". ). Quả thật con bé khó ăn, khó ngủ, cứng đầu, cá tính, lẻo mép và lười dần đều khiến mẹ đau đầu không ít.
Hôm nay con chính thức rời mái trường của bậc học đầu tiên. Mẹ rất mong là ông thầy bói kia nói đúng .
Vậy đấy, vui vẻ con nhé. Con đã đi hết 1/3 quá trình học tập bắt buộc. Có những kiến thức con sẽ quên nhưng mẹ mong con không bao giờ quên những kỉ niệm với bạn bè, sự chăm sóc của các thầy cô. Kiến thức con có thể học lại còn những kỉ niệm sẽ không thể lấy làm lại hay lấy lại.
Yeah, những chiếc mũ tốt nghiệp tung lên, cổng trường khép lại. Những lời tri ân dù sáo rỗng hay chân thành cũng đưa các con bước thêm nữa. Vòng tay mẹ nhỏ đi khi con lớn khôn hơn... Mong con luôn tự tin vui vẻ để bước vào cấp trung học.

Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Viết cho ngày của mẹ

Ngày của Mẹ nghĩ linh tinh về mình, về mẹ, về những người phụ nữ…. Mình làm mẹ được 11 năm và làm con được 37 năm.
Mỗi khi cùng cực nhất, khó khăn nhất, dù thốt ra miệng hay gọi thầm trong đầu, mình tin ai cũng gọi câu đầu tiên là “ Mẹ ơi…”. Mỗi ngày đi học về, hay chỉ cần có mẹ ở nhà là con nhóc thường ríu ran đủ thứ sự vụ trên đời và có những lúc mình đau đầu muốn điên vì cái mồm không nghỉ của nó. Con tôi còn nhỏ, những câu chuyện của nó cũng chưa nghiêm túc, mình đã lớn nhưng câu chuyện của mình với bố mẹ vẫn đầy rẫy cái lung tung.
11 năm làm mẹ, mình cũng trải qua kha khá chuyện trong việc nuôi dạy con. 37 năm làm con, số việc của mình khiến bố mẹ lo lắng đong bằng tấn. Chẳng biết thế nào mới là đủ cho Bố mẹ hết lo.
Mẹ đều là hình tượng không thể thay thế trong lòng mỗi người con. Dù người Mẹ ở xã hội là vai trò nào thì con cái vẫn luôn tin tưởng vào Mẹ. Mẹ là thành trì cuối cùng để mỗi người con dựa khi không vui, khi thất bại, khi …đủ mọi thứ và Mẹ là mọi thứ mà mỗi người cần để an nhiên sống.
Có người con nào ở xa, nhất là những người con gái lấy chồng xa mà không mong về nhà mẹ. Về nhà, mẹ luôn hỏi muốn ăn gì dù mình rất" bụ bẫm". Là mấy cái áo mà mẹ đã mua để sẵn dù chả biết bao giờ mình mới về. Mẹ thì luôn nhỏ nhẹ, kín đáo ý tứ đến những việc nhỏ nhất nên mình vẫn vô tâm làm mẹ buồn. Lão Béo nhà mình nhìn hoành tráng vậy cũng rất mong manh. Mình biết nhiều khi lão vừa muốn chia sẻ với bà nội tụi trẻ lại vừa muốn giấu để bà không lo lắng.
Có rất nhiều sách dạy con : kiểu Mỹ, kiểu Do Thái… trước mình cũng hay đọc nhưng rồi bỏ hết để dạy con theo chính bản thân nó. Có sách nào dạy làm mẹ không ? Có – ngay trong những quyển sách dạy con đều là dạy cách làm mẹ. Người mẹ bằng bản năng nuôi dạy từng đứa con theo tính cách của từng đứa sẽ không có sách nào dạy được.
Thỉnh thoảng nhà có việc gì lớn, mẹ vẫn bảo mơ thấy bà ngoại dù bà ngoại đã đi xa lâu lắm rồi. Trong trái tim mỗi người, già hay trẻ, nam hay nữ vẫn luôn có Mẹ vì trong sâu thẳm luôn có đứa trẻ cần ôm ấp vuốt ve.
Con gái lẻo mép luôn nói yêu mẹ nhất và nó làm trái ý mẹ nhiều nhất. Và mình cũng không theo khuôn gia đình kha khá nhiều. Vòng quay nào cũng lặp lại, cha mẹ nào cũng muốn bao bọc con mãi và đứa trẻ nào cũng ít nhiều muốn thoát ra. Đi chán rồi lại muốn về nhà với mẹ, đơn giản ăn một bữa cơm, ngủ một giấc và thấy nụ cười của bố mẹ. Vậy thôi mà yên bình đến lạ.
Càng ngày càng thấy hiểu câu “ mất cha mẹ thì tuổi nào cũng là mồ côi” và món quà lớn nhất cho mọi Cha / Mẹ là con mình vẫn ổn. Chỉ thế thôi

Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

Mưa đầu hạ

Mờ mịt che góc cạnh thành phố. Phố dường như mềm hơn, dung dị hơn trong mưa. Cơn mưa trái mùa sầm sập đổ ào. Ngoài Bắc gọi là mưa đầu hè, ở đây là cơn mưa trái mùa. Sau những ngày nóng hầm người muốn phát điên, cơn mưa xóa tan không khí nồng nồng oi bức. 
Mưa ào ào xuống con đường đang ken người đi làm buổi sáng. Đường lại tắc với những màu áo mưa rực rỡ. Ở nơi đất rộng người đông, bên nắng gió bên mưa bay là điều cảm nhận được trong hơi thở. Ngoảnh sang trái là vùng nắng, nhìn sang phải là mưa. Nắng mưa cách nhau một cái nhìn rất vội.
Mưa đầu hạ , run run chùm bằng lăng tím sẫm trước chung cư. Những con người tất bật chẳng thể ngẩng lên ngắm trong cái vội vàng buổi sáng. Những tiếng rao yếu ớt tắt dần trong mưa.
Gió đầy hơi nước tràn vào nhà, mang cái sảng khoái tươi mát không bụi bặm. Nó vội vã sắp đồ ăn buổi chiều, vớ điện thoại mở "kiss the rain" để ngày bình yên.
Mưa vẫn ào ào, bố con chúng nó đang trên đường tới trường, tới cửa hàng. Không biết có bị ướt không?
Một ngày lại bắt đầu....

Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

Happy là gì

Nếu hỏi con trai tôi" happy là gì"? Câu trả lời sẽ là thành viên mới nhất nhà, con chó nhỏ của bọn trẻ.
Đúng như cái tên gọi, Happy là con chó nhăn nhở quậy tưng bừng. Nhìn nó không thể không bật cười với cái vẻ láu lỉnh, cái mông tròn lúc lắc theo nhịp chạy lũn chũn.
Happy của tôi cũng đơn giản như vậy. Là mỗi sáng thức giấc mọi người trong gia đình bình an, là những ngày lười hết nấc bù cho những lúc bận điên.
Mỗi bình minh thức giấc tôi thường lướt nhanh những việc cần làm trong ngày, đôi khi là nằm ườn mông lung chờ mọi cái đến ngẫu nhiên.
Xác suất ngẫu nhiên của hạnh phúc chắc không nhiều. Lựa chọn thái độ để vui vẻ dễ hơn. Nói chung cơ chế tự loại bỏ lớn nên việc lật công tắc chuyển vui / buồn của mình cũng nhanh.
Hôm trước chat với đứa bạn, nói về niềm tin. Đến tuổi này còn tin được gì trọn vẹn thì vẫn là may mắn. Thời gian không chỉ bào mòn tuổi trẻ, nhan sắc của chúng tôi mà còn lấy dần đi niềm tin vào những điều bình thường nhất. Không có những niềm tin dễ dàng mà chỉ còn sự hợp lý trong thời điểm.
Ví như con Happy, chúng tôi vui với nó nhưng vẫn có những phiền toái nhất định. Hạnh phúc đôi khi cũng phiền... nghĩa là tôi hài lòng với mỗi ngày thức giấc.. thế là hạnh phúc rồi...

Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

Mùa này phố có đẹp không?

Viết cho tôi từ thành phố mưa bụi giăng đầy. Mọi cái sấp soãng nước, cái kính cận ngẩng lên cúi xuống là mờ tịt. Mùa mưa giăng vai áo. Phố buồn thiu vì nước, vì nắng yếu không đủ hong cái khăn hờ hững vai người.
Phố mùa này có gì đẹp nhỉ? Tôi tự lầm bầm hỏi mình khi đợi người trong quán cà phê nhỏ. Tôi ghét ẩm ướt, tôi nhớ nắng, nhớ cái phóng khoáng của mùa hè. Nhất là khi phải chờ đợi. Phố nhìn qua cửa sổ, những vệt nước trượt chầm chậm trên kính, người vội vã đi.
Hồng lên những cánh hồng vườn, tươi thắm, khỏe khoắn trên những xe hoa. Phố đẹp hẳn. Mùa những cánh hồng rực rỡ. Nó thích cắm những lọ hồng vườn, đầy gai mà thơm da diết. Chút mầu ấm cho phố xám tươi lên.
Ngước nhìn bầu trời hờn dỗi, những chồi non khỏe khoắn xanh non. Phố cũ như người phụ nữ đổ dốc tuổi đời, mặc áo xám cũng phải cài thêm chiếc khăn xanh làm duyên. Chậm rãi an nhiên.
Phố mùa này đẹp khe khẽ non tơ, ướt át dỗi hờn khoe những cành hoa dại đủ vàng tím trắng hồng. Những bàn tay trẻ thơ đưa ra hứng mưa, những môi son đậm hơn vì mưa gió. Chợt có nụ cười thanh tân, ô che mái đầu vượt nhanh qua cửa. Có phải thanh xuân của tôi, của bạn, của chúng ta ngày ấy vừa đi qua.
Tôi nghĩ gì mà hờn dỗi với những cái nhỏ bé như thế. Phố của tôi, lúc nào cũng có vẻ riêng. Nếu mai này trở về, những cái linh tinh này mất đi, hẳn sẽ trống vắng.
Phố mưa bụi bay, đẹp dịu dàng...

Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

Mùa tháng 3

Và em này hoa gạo tháng ba.
Đã đỏ rực sân chùa yên ắng.
Em đi qua những mùa hoa rực cháy.
Cây gạo già vẫn dõi đợi em.

Bao mùa tháng ba đã đi qua.
Lời tỏ tình vương trên thân gỗ.
Em cứ đi ngang đời mải miết.
Phố mong dù biết chẳng quay về.

Ai rồi cũng có một ngày xưa.
Để nhắc lại bắt đầu bằng "hồi ấy"
Những điều nhỏ non như lá mỏng.
Cả những điều rực cháy khôn nguôi.

Và mỗi mùa hoa gạo tháng ba.
Hoa thắp lửa nhắc chào mào kiếm hạt
Em có về ngang qua chốn cũ.
Có dừng chân thoáng chút tần ngần...

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Cho xin

Này cho xin chút lửa.
Để nấu bữa cơm chiều.
Hoàng hôn về qua phố.
Nhà ấm nỗi yên bình.

Này cho xin chút gió.
Thổi hây hây trưa hè.
Buông tay người thả lỏng.
Gió mang đi giận hờn.

Này cho xin nắm gạo
Nấu bát cháo hoa thường
Sau cơn say được mất.
Hành cay lại nhẹ lòng.

Này xin ít thời gian.
Vo tròn thành một nắm.
Giấu vào trong nỗi nhớ.
Để vẹn nguyên an lành.

Này em xin em xin
Cả những gì bỏ lại.
Dọc con đường vội vã.
Về ghép thành mình tôi.

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Hôm nay ngày gió nổi...

Sài gòn mùa khô, bình minh nghe tiếng gió vi vút qua cửa. Tiếng gà lẻ loi giữa những tòa nhà đang ngái ngủ. Gió thật, cái gió mát của những ngày xuân phương Bắc. Mát rượi, hơi thoảng mùi dòng sông.
Cứ những lúc này Nó nhớ nhà. Mùa này, mùa hoa xoan hoa bưởi. Miền nam là đất trồng bưởi mà tuyệt nhiên chưa bao giờ Nó thấy hoa bưởi bán trên phố. Mùa hoa bưởi trắng phố là sắp hè rồi. Những túi sắn dây phơi lúc cuối năm cho hoa bưởi vào buộc kín, mùi ngon ngọt lúc hè nóng ran. Hoa bưởi có mùi rất dịu, lan khắp phòng. Những ngày home -office, nó thường cắm lọ hoa bưởi nhỏ để tận hưởng bình yên trong lúc vùi đầu vào việc. Trắng, vàng, xanh nõn nường như mùa xuân mải miết.
Tháng này, có lẽ, hoa xoan đã nở tím con kênh dọc đường về quê. Phố giờ ít hoa xoan lắm. Một cây lẻ loi hoa xoan nở nhìn rất chán. Phải chăng hoa mảnh quá, màu nhạt quá nên quần tụ mới lộ cái đẹp. Hoa nhỏ, màu nhạt, hương nhẹ... hoa xoan đi qua nỗi nhớ mùa bằng những nét bút thật mảnh mà da diết.
Gió lao xao ngoài cửa, hừng đông vội vã như vùng đất năng động này. Xe người đông dần, lại vội vã tất bật... Chỉ có gió cuốn những cảm xúc vu vơ gửi về góc riêng nào đó...

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

Rán bánh chưng.

Thế là hết rằm, hết Tết. Cái ngây ngán của những bữa cỗ Tết cũng nguôi ngoai. Nhà còn mấy cái bánh chưng, bỏ ra rán để thực sự tiễn đưa Tết.
Nhà mình không hảo đồ nếp. Bánh chưng bóc ra có khi để lay lắt mấy ngày. Tết không có bánh chưng, thiếu cho dù mâm cao cỗ đầy. Nó thường nghĩ bánh chưng gói mọi mong ước người làm nông - gốc rễ của người Việt. Là sản vật nuôi trồng, người gói bánh gửi ước mơ no ấm, hòa thuận vào từng vòng lá chắc tay.
Bánh chưng xanh mềm thơm dẻo, củ hành muối tới còn hăng là sự cân bằng trong mâm cỗ thừa mứa thịt.
Bánh chưng rán giòn, củ hành muối đã quá độ chua một chút là lời chào tạm biệt. Đào, mai tàn hết rồi. Người cũng bận lu bu rồi, đi làm đi học cả. Bữa cơm gia đình cũng nhanh gọn, rau dưa để tranh thủ nghỉ ngơi. Bánh chưng rán cuối Tết, vỏ giòn, thịt xém chảo, đỗ rám mặt bùi bùi. Đệm củ hành chua, miếng dưa món mặn mà. Bao cái ngấy tan đi để lại cái ngọt bùi. 
Rán bánh chưng không vội được. Lửa nhỏ, chảo dày, xoa xíu mỡ rồi để liu riu. Dàn dẹt miếng bánh, càng giòn, càng thơm, càng bùi. Liu riu, liu riu lật mặt. Để có chảo bánh rán ngon đủ chất lượng, nó phải nằm trên bếp lâu lâu...
Bên bếp lách tách tiếng vỏ bánh giòn dần, tôi mỉm cười chào bình minh bên ban công...một ngày lại bắt đầu.

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2017

Mở cửa tháng hai

Mở cửa tháng hai gió vào nhà
Mang theo dìu dặt với mưa xuân.
Mơ màng cô gái ngồi chải tóc.
Hoa rớt ngoài hiên nhắc một người.

Mở cửa tháng hai rét se se.
Khẽ khép tâm tình người thiếu phụ.
Mong ước gửi qua khung cửa nhỏ.
Tháng hai nồng như ngụm rượu xuân.

Mở cửa tháng hai nắng hồn nhiên
Đào phôi phai mà đã xanh mềm cỏ
Những chồi non âm thầm thức giấc
Nắng cứ hồng nẻ hết má người thương.

Mở cửa tháng hai lộc vào nhà.
Người thêm việc mới thêm vội vã
Tháng ngắn lắm đừng đi nhanh quá
Để chùng chình kịp ngắm xuân tan.

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Vườn Bà...

Ngày hóa vàng, mấy mâm cơm cúng, vài cô chú về thắp hương tiên tổ. Nhà vắng đi nhiều. Lứa cháu chúng tôi đã có gia đình, một thế hệ mới đã bắt đầu. Bà đi xa mấy năm, chúng tôi cũng lu bu mải miết với cuộc sống. Vườn nhà Bà vẫn xanh. Chỉ chúng tôi ít về... mỗi đợt về lại đủ người này lại thiếu nhà kia.
Thoáng đó, những đứa cháu đuổi nhau trong vườn, la hét giành nhau những trái ổi còi, những dái mít chát xít đã đổi vai làm phụ huynh. Những đứa chắt đã thay cha mẹ chúng làm ồn góc sân ngoài vườn. Vườn nhà bà không rộng, tạp nham trồng rau, mấy cây quả làm quà cho cháu.
Hồi nhỏ, vườn nhà bà là một thế giới kỳ ảo cho đứa bé tôi. Dù ở xóm nhà mình không thiếu vườn để oanh tạc. Nhưng vườn nhà Bà sát ao để bọn cháu ra rình xem con cá đớp chân bèo hay những con nhện nước nghêng ngang. Vườn nhà bà là chỗ bày đủ trò chơi, đào lên lấp xuống. Là những lúc mang rổ hái rau kiểu hái một hỏng hai. Một đứa trèo hái ổi thì vài đứa đứng chỉ chỏ, tranh nhau.
Vườn nhà Bà đã đổi thành vườn nhà Cụ. Rau vẫn xanh, chỉ vắng bóng Bà ra vào... Trái vẫn thơm chỉ không còn mấy dịp cháu chắt tranh nhau. Cứ âm thầm chín rồi rụng đầy vườn. Thế hệ con chúng tôi cũng không còn thấy sự hấp dẫn của vườn xanh rười rượi với nhũng bí mật nho nhỏ..
Vườn Bà vẫn xanh... mà nhà ngày một vắng.

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

Ai đưa xuân về nhà.


Những ngày cuối năm hối hả, tất bật chen lấn. Tôi cũng ngược xuôi vì công việc nhưng ân thưởng là cơ hội ngắm nhìn những sắc thái xuân. 
Mùa Tết phương nam, sắc vàng chủ đạo. Nắng vàng, mai vàng, cúc vàng, mào gà vạn thọ vàng... chói chang, lồ lộ .. những người con xa quê vội vã, chen lấn để kịp về nhà với gia đình. Đường đông kẹt cứng, tôi tránh nỗi buồn bằng việc ngắm những sắc hoa lướt trên phố. Giữa trung tâm sài gòn một ông cụ râu bạc ngồi đánh bộ lưu hương. Thoáng thấy mùi trầm lặng lẽ..
Hà nội đất chật người đông. Đào hồng các phố, nhộn nhịp bán mua. Những bó dơn , thược dược các màu tha thiết trong cái rét se se. Tôi băng qua phố, lưỡng lự muốn đi theo những cánh hoa đào, muốn ôm trọn những mùi hoa, mùi mứt gừng nhà ai đang sên.
Chuyến xe cuối năm, tôi mệt lả vì thiếu ngủ nhưng cách người phụ nữ nhiều tuổi nâng niu cành đào làm tôi thấy thư thái. Hoa đâu có thiếu nhưng sự trân trọng hoa thì không thật nhiều như cũ. Mưa xuân lớp lớp trên ruộng hoa. Xuân về.
Về nhà là đi mua sắm cho cái Tết gia đình, những ánh mât thẫn thờ của những người bán bên những chậu hoa chưa có người mua. Dường như xuân xa lắm...
Tết rồi. .ai kịp đưa xuân về nhà... cho tiếng cười trẻ thơ lảnh lót ... mùi bánh chưng sôi lục bục thơm ngát
Xuân mang yên lành ....

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

Về nhà với Bu...



Con gái cái bòn, chuyến công tác ghé về nhà thăm bố mẹ. Về nhà bố mẹ, nơi góc nhỏ thanh xuân vẫn nằm im lìm đâu đó.
Là cảm giác lượn qua lại trong nhà, bốc nếm những thứ rơi vào mắt. Là sự sung sướng cuộn tròn vào giấc ngủ bù cho sự thiếu ngủ mấy ngày đi như đánh trận.
Thỉnh thoảng mới về nhà, chân đi, lượn suốt.
Về nhà bố mẹ, là về với cảm giác được nuông chiều, thong thả của đứa được chiều. Về nhà bố mẹ chẳng mang gì vẫn được mẹ chuẩn bị đủ quần áo trong mọi trường hợp. Muốn ăn gì cũng được mỗi tội ăn là thứ mình ít thèm nhất.
Nằm dụi đầu vào vai áo mẹ, mùi Mẹ ấm áp. Những câu chuyện vụn vặt, linh tinh của những người phụ nữ dù thế hệ nào vẫn muôn thủa thế. Bố gầy đi nhiều mà lo toan vẫn nặng. Nói chuyện với bố, những trăn trở vẫn nhiều. Con cái có hiếu nhất là lo cuộc sống của mình an bình, bớt suy tư cho cha mẹ.
Ngồi ngắm bố mẹ, đi quanh nhà tìm sách. Cái thanh tân của mình vẫn lẩn khuất trong nhà. Những cái mơ mộng vẫn treo đâu đó. Những cái vớ vẩn linh tinh son trẻ ấy vẫn là nguồn cảm hứng dù nhỏ nhưng chưa bao giờ tắt trong người đàn bà - trẻ con lớn tuổi.
Vẫn may mắn khi về nhà có bố mẹ, dù chỉ là chốc lát thấy bình an rồi lại cuốn đi với những cái đời thường ...
Về nhà kiểu gì cũng có quà:)).

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

Ừa Tết về

Sau mấy ngày đi quần quật, mệt đến mức không ngủ được. Nằm lẩm nhẩm ờ tết về ...
Tết về trên những lá bàng đỏ ối dọc đường nhìn thấy. Lá bàng đỏ trong nắng phương nam. Rực rỡ mà thiếu màu da diết bừng cháy chiều đông xám.
Tết về, những chậu cúc vàng , mai vàng, vạn thọ .. vàng bắt đầu theo xe xuống phố. Nhìn những thùng xe lắc lư toàn màu vàng, bỗng thấy mình đang đọc văn Hồ Biểu Chánh, Hồ Sỹ An. Những câu văn tả chân thực sống động đến độ có thể cầm nắm được. Nó nhớ chợ hoa trong tiết lạnh giá, những sắc hồng của đào, đỏ sâu của hồng nhung.. rạng rỡ thanh tao như môi con gái.
Tết về, chợ độ nửa tháng nay bắt đầu đầy củ kiệu, đầy tôm khô. Mùi kiệu hăng ngọt, đổ tràn trắng. Tôm khô đỏ cam tương phản. Nó thích chợ lắm. Thích màu xanh non rượt của những hàng rau mùa đông. Những gánh hành già hăng xè. Lão nhà nó thích món hành tươi trộn xổi. Nó thèm thảnh thơi làm người đàn bà chân chỉ. Ung dung vun vén, bày vẽ nọ kia cho cái Tết ấm áp.
Tết về, râm ran câu hỏi " có về ăn Tết không" ? Có vậy mà nhớ nhà. Nhớ mùa đông trời chóng tối, cả nhà quây quần bữa cơm nóng giản đơn. Uhm Tết....
Mai lại đi, vẫn miên man để Tết đợi thêm ngày...
Tết .....